Bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả
Bám sát Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương ngày 25.10.2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24.1.2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Hòa Bình đã lãnh đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc bằng các kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể. Qua 6 năm triển khai thực hiện, tỉnh Hòa Bình đã đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, năng lực tự chủ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lặp; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức.
Hàng năm, các cơ quan, đơn vị đều thực hiện nghiêm việc đánh giá, phân loại viên chức theo quy định để đưa ra khỏi đội ngũ viên chức đối với những người không hoàn thành nhiệm vụ; trong đó, thực hiện tinh giản biên chế đối với những viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn quy định về phẩm chất, năng lực, sức khỏe, những người dôi dư do xác định vị trí việc làm và sắp xếp tổ chức.
Đến hết năm 2023, tỉnh Hòa Bình có 627 đơn vị sự ngiệp công lập (giảm 258 đơn vị so với tổng 885 đơn vị năm 2015; giảm 213 đơn vị so với năm 2017; giảm 2 đơn vị so với năm 2021). Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã giảm được 3.230 biên chế viên chức sự nghiệp; đồng thời, tích cực chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng hoạt động cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Sớm hoàn thiện cơ chế đánh giá cán bộ
Theo đánh giá của Đoàn giám sát, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị trên địa bàn là chủ trương đúng đắn, khoa học, được thực hiện bài bản, thận trọng, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước; tạo được niềm tin cao trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.
Mặc dù vậy, Đoàn giám sát cũng đánh giá quá trình thực hiện còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế; trong đó, những nơi có thể sáp nhập, tinh giản biên chế đều đã thực hiện trong thời gian qua, do đó, từ nay đến năm 2025 sẽ rất khó khăn trong việc giảm chỉ tiêu biên chế, nhất là lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, công tác xã hội. Đối với khối Trung tâm y tế đa chức năng của tỉnh, Chính phủ chưa ban hành Nghị định quy định về cơ chế tài chính nên việc lập dự toán, chi tiêu tại các đơn vị còn nhiều lúng túng…
Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi quy định tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non để phù hợp với đặc thù công việc; cải thiện chính sách tiền lương đối với nhân viên. Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí ngân sách cho các tỉnh miền núi để tăng cường cơ sở vật chất; mở rộng chính sách khuyến khích xã hội hóa cho giáo dục. Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ chế đánh giá cán bộ, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và ưu tiên các nguồn lực đầu tư mở rộng quy mô hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, dạy nghề. Đồng thời, xem xét lại chỉ tiêu giảm 10% biên chế đối với viên chức thuộc một số đơn vị đặc thù…