Trong không khí cởi mở, chân tình, gần gũi, các đoàn viên công đoàn, người lao động đã phản ánh rất thẳng thắn những vấn đề “sát sườn” của mình với lãnh đạo Quốc hội, với các cơ quan của Quốc hội và bộ, ngành liên quan, trong đó có vấn đề nhà ở xã hội.
Đưa tiếng nói của đoàn viên công đoàn về vấn đề nhà ở cho công nhân ở một diễn đàn lớn, có ý kiến đã phản ánh tâm tư, đó là cách đây mấy chục năm, khi đất nước còn rất nghèo, nhưng gần như nơi nào có nhà máy, xí nghiệp đông công nhân thì nơi đó đều có khu tập thể, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa. Đến bây giờ, đất nước đã phát triển hơn nhưng rất nhiều khu công nghiệp có hàng trăm nghìn công nhân thì nhà chung cư chưa đáp ứng được nhu cầu của công nhân, người lao động.
Chúng ta không khỏi xúc động khi nghe chia sẻ của đoàn viên vì khó khăn nhà ở mà công nhân đành phải thuê nhà dân, do tiền ít nên thuê nhà chật hẹp, không bảo đảm an toàn. Thậm chí, có gia đình công nhân bố mẹ, con cái chỉ sống vỏn vẹn trong 10m2. Nhiều gia đình không muốn cho con ở cùng mà phải gửi về quê cho đỡ tốn kém. Có người lao động sắp đến ngày sinh nhưng chủ nhà trọ đòi nhà; có người khi giáp Tết, công ty nợ lương nên không dám về, ở lại thì chủ nhà lại đòi tiền.
Là công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Công nghiệp Hài Mỹ, tỉnh Bình Dương, chị Đào Thị Loan đã rất xúc động khi được nói lên tiếng nói của nhiều công nhân lao động về vấn đề nhà ở. Thực tế cho thấy, công nhân từ miền Bắc, miền Trung và cả miền Tây lên Bình Dương và các tỉnh, thành phố làm việc, hầu hết phải thuê nhà trọ. Nhà thuê thường diện tích chật hẹp, ẩm thấp, tạm bợ, khó khăn trong sinh hoạt. Trước diễn đàn chị Loan cũng bày tỏ vui mừng khi Chính phủ có Đề án xây 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp. Nhất là gần đây trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận, đã cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Đây là một tin vui đối với công nhân, nhưng chị Loan vẫn bày tỏ lo lắng khi “các doanh nghiệp chưa mặn mà với nhà ở xã hội”.
Để tháo gỡ một phần khó khăn cho người lao động, gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 120.000 tỷ đồng được áp dụng cho cả chủ đầu tư dự án và người mua, thuê nhà ở xã hội là một tin vui mà người lao động rất chờ đợi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức lãi suất 8,2%/năm vẫn là rất cao đối với người thu nhập thấp. Trong khi đó, thời gian ưu đãi của gói tín dụng đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn, gây tâm lý bất an cho công nhân, người lao động khi vay. Và điều đáng nói là, công nhân lao động chưa dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn này.
Những chia sẻ về sự thiếu thốn nhà ở của công nhân, người lao động tại diễn đàn chỉ là một trong những “lát cắt” nhỏ và rất “khiêm tốn” về những khó khăn mà công nhân, người lao động đã và đang trải qua, nhất là giai đoạn cao điểm của đại dịch Covid-19.
An cư mới lạc nghiệp, do đó, rất cần những giải pháp hữu hiệu để giải được bài toán nhà ở cho công nhân, người lao động. Để góp phần tháo gỡ khó khăn này, một trong những nội dung quan trọng được quy định trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang trình Quốc hội đó là những ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để đẩy mạnh nhà ở xã hội và nhà lưu trú cho công nhân. Dự thảo Luật đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, như: dành quỹ đất phù hợp để phát triển nhà ở xã hội, đây trách nhiệm của chính quyền địa phương, cần bố trí quỹ đất phù hợp cho công nhân thu nhập thấp; có chính sách ưu đãi như: miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất để chủ đầu tư tiếp cận đất đai phát triển nhà ở xã hội. Người lao động cũng được hưởng các gói hỗ trợ về lãi suất để tiếp cận được nhà ở xã hội. Đối với nhà lưu trú cho công nhân, đây được coi là thiết chế quan trọng của khu công nghiệp… Nếu được xem xét thông qua, các chính sách này sẽ góp phần giải quyết được khó khăn về nhà ở cho người lao động.
Tin rằng, những tâm tư nguyện vọng và kiến nghị tại diễn đàn được Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan lắng nghe thấu đáo và bắt tay ngay vào cuộc, để giấc mơ “an cư lạc nghiệp” của công nhân, người lao động sớm trở thành hiện thực.