Sau nhiều cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành thì thị trường bất động sản đã có những tín hiệu phục hồi. Trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng giao dịch đối với loại hình căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền có xu hướng tăng, quý sau cao hơn quý trước và cao hơn so với cùng kỳ năm 2023, có khoảng trên 253.000 giao dịch thành công, bằng 110,26% so với 6 tháng cuối năm 2023, chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền. Đã có 18 dự án nhà ở thương mại hoàn thành, 23 dự án được cấp phép mới và 984 dự án đang triển khai; nhà ở xã hội đã có 8 dự án hoàn thành.
Bên cạnh tín hiệu phục hồi, Ủy ban Kinh tế cũng nhận định, thị trường bất động sản còn khó khăn, nhất là về quy định, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội; doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Giá nhà chung cư, giá đất nền tại một số địa bàn tăng cao đột biến gây ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở của người dân, người lao động. Tình trạng đấu giá ở mức gấp nhiều lần khởi điểm rồi bỏ cọc tái diễn, tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở.
Thực tế cho thấy, khoảng cách cung cầu quá lớn, cơ cấu sản phẩm trên thị trường thiếu cân đối khi phân khúc chung cư bình dân khan hiếm, khiến giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở khó có khả năng tiếp cận. Nhà ở xã hội là một trong những nhu cầu của số đông người dân hiện nay lại đang vướng bởi rất nhiều thủ tục phức tạp gây khó cả chủ đầu tư và người mua. Cùng với đó, tình trạng đầu cơ, thổi giá đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản, có nơi được đẩy lên mức giá “như trên trời”.
Với mức tăng đột biến như hiện nay thì thu nhập của người dân bình thường rất khó để tiếp cận nhà ở. Phát biểu tại Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, hiện nay thị trường bất động sản diễn biến rất phức tạp, giá nhà chung cư tăng rất cao, người có nhu cầu khó tiếp cận được với thị trường bất động sản. Chỉ ra thực trạng này, Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý thị trường bất động sản.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tăng giá đột biến của bất động sản thời gian gần đây, nguyên nhân cơ bản là do nguồn cung căn hộ tại thành phố đang thực sự khan hiếm. Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai đẩy giá đất lên cao khiến cho việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ, bởi người có nhu cầu thực rất khó có khả năng tiếp cận.
Không chỉ mất cân đối trong cung cầu, không chỉ có tình trạng tạo sóng, thổi giá, tình trạng bỏ hoang sau “phân lô, bán nền” ở những vùng ngoại thành của các thành phố lớn cũng là một thực tế rất đáng quan ngại. Người cần nhà thì không có, người có nhà lại không sử dụng là một thực tế đã và đang hiện hữu. Sự “tồn kho” với loại hình bất động này thực sự đang gây nên sự lãng phí nguồn lực xã hội rất lớn.
Trong Kết luận về việc xem xét kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ, Chính phủ khẩn trương xử lý dứt điểm đối với các các dự án bất động sản, nhà ở xã hội gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài, pháp luật qua các thời kỳ có nhiều thay đổi trên cơ sở đánh giá đầy đủ lợi ích - chi phí và tính khả thi của phương án giải quyết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp, đồng thời giải phóng nguồn lực cho thị trường bất động sản, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đối với những dự án đã có kết luận của cấp có thẩm quyền về phương án tháo gỡ, đề nghị sớm hoàn thiện hồ sơ đề xuất trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất...
Hơn lúc nào hết, người dân và doanh nghiệp mong rằng những vướng mắc pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản sớm được tháo gỡ. Có như vậy, mới khai thông nguồn lực cho thị trường bất động sản, người dân mới dễ tiếp cận được chính sách để sớm “an cư lạc nghiệp”.