Tổng Bí thư Tô Lâm, trong phát biểu quan trọng tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu “chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới (nhất là những vấn đề liên quan đến Cách mạng Công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…) tạo khung khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá cho phát triển đất nước trong những năm tiếp theo”.
Đây là định hướng hết sức đúng đắn và là nhiệm vụ hệ trọng cần tập trung thực hiện bởi các “vấn đề mới, xu hướng mới” như Tổng Bí thư đã đề cập có thể sẽ là bước ngoặt để chúng ta “tìm ra con đường ngắn nhất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay cho thấy, Quốc hội đã đặc biệt quan tâm đến việc thiết lập hành lang pháp lý cho các vấn đề mới, xu hướng mới. Trong đó, nhiều luật liên quan đến phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số đã được Quốc hội sửa đổi, ban hành mới như: Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông, Luật Căn cước... Và ngay tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội sẽ xem xét dự án Luật Dữ liệu, dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực... Trong đó, như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong việc ban hành một đạo luật về công nghiệp công nghệ số.
Dù vậy, việc xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới vẫn còn chậm. Có nhiều lý do khách quan cho việc chậm này. Trước hết là việc Chính phủ và Quốc hội ngay từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đã phải tập trung cao nhất các nguồn lực giải quyết, khắc phục những khó khăn, thách thức do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 và những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới.
Một nguyên nhân khác là bởi các lĩnh vực mới, xu hướng mới đều diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, chưa có tiền lệ nên việc tạo lập hành lang pháp lý ổn định, hiệu quả, khả thi thực sự là thách thức lớn. Có thể thấy điều này ở dự án Luật Dữ liệu và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Dù đây là hai dự luật đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách thực sự vượt trội nhưng đọc các điều khoản cụ thể thì dường như vẫn còn khá dè dặt, chưa đủ sức để tạo nên sự đột phá, thậm chí là đi tắt đón đầu cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số; hoặc đã có đột phá nhưng quy định cụ thể lại chưa đủ sức thuyết phục, như những quy định về nguồn nhân lực công nghệ số, khung năng lực công nghệ số, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, tài sản số, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...
Như thế để thấy rằng, dù chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới là hết sức cấp bách, nhưng đây cũng là nhiệm vụ đầy khó khăn, thử thách. Thực hiện nhiệm vụ này không chỉ đòi hỏi ở các nhà hoạch định chính sách phải am hiểu sâu về các lĩnh vực mới, xu hướng mới, sự nhạy bén trước những diễn biến hết sức nhanh chóng của các lĩnh vực, xu hướng này. Và hơn hết, phải có một tư duy thực sự cởi mở, một tầm nhìn xa trông rộng, vượt lên những khuôn khổ, giới hạn hiện tại và cả sự sẵn sàng chấp nhận cái mới, chấp nhận mạo hiểm - tất nhiên không phải là “mạo hiểm bất chấp hậu quả” mà là sự mạo hiểm có kiểm soát, trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng, lường đoán được các tác động.
Hơn lúc nào hết, để “tìm ra con đường ngắn nhất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” như Tổng Bí thư Tô Lâm và Trung ương đã xác định thì cùng với việc tập trung khắc phục những "điểm nghẽn" về thể chế hiện tại, đồng thời cũng phải tăng tốc hơn nữa trong xây dựng thể chế cho những lĩnh vực mới, xu hướng mới.
Những tư duy mới về lập pháp được Trung ương, Quốc hội, Chính phủ quán triệt và đang được thực hiện ngay trong các dự án Luật trình Quốc hội lần này, đặc biệt là tinh thần chỉ luật hóa những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, dành không gian chủ động, sáng tạo cho Chính phủ, cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp, không cầu toàn, nóng vội, không cứng nhắc, chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực... là thuận lợi rất lớn để đẩy nhanh tiến trình xây dựng khung khổ pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Vấn đề còn lại là các nhà hoạch định chính sách, các nhà lập pháp sẵn sàng "mới" đến đâu?