Dự thảo Luật này sẽ được Quốc hội xem xét và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1.1.2025, do có một số quy định cần sửa ngay để đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, và nhất là các quy định liên quan đến cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo Luật đó là mở rộng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế khi “thông cấp khám bệnh, chữa bệnh”.
Theo đó, người tham gia bảo hiểm y tế sẽ được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả giống như khi đi khám chữa bệnh đúng quy định trong 3 trường hợp. Một là, người bệnh được tự đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu trong một số trường hợp bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo. Hai là, khi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và các cơ sở thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản đã được cấp có thẩm quyền phân tuyến huyện trước ngày 1.1.2025 trên toàn quốc. Ba là, đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu với lộ trình nâng mức hưởng cụ thể.
Có thể thấy, quy định này nhằm tăng quyền lợi và giảm phiền hà cho người dân, cũng như thu hút nhiều người tham gia bảo hiểm y tế tăng cường khám chữa bệnh tại y tế cơ sở.
Nhìn lại Luật Bảo hiểm y tế hiện hành, quy định đăng ký cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu theo địa giới hành chính tuy phù hợp, nhưng lại chưa tạo điều kiện để người dân có thể đến khám chữa bệnh tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở tuyến tương đương hoặc thấp hơn trong nội tỉnh. Người bệnh cũng chưa được tự đi khám và điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo ở tuyến trên trong khi cơ sở tuyến dưới chưa có đủ năng lực chuyên môn và đều phải chuyển tuyến. Một số bệnh mãn tính chưa được đưa về y tế cơ sở để quản lý và cấp thuốc tương đương của tuyến trên, từ đó làm hạn chế đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và phát sinh thủ tục chuyển tuyến không cần thiết.
Bên cạnh đó, Luật hiện hành chỉ quy định thông tuyến huyện toàn quốc đối với bệnh viện huyện, mà không đề cập đến các loại hình cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cùng tuyến huyện như: trung tâm y tế, phòng khám đa khoa, bệnh xá quân đội, công an, bệnh xá quân dân y. Đồng thời, người bệnh đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương cũng không được khám bệnh, chữa bệnh thông tuyến tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện, tuyến xã. Việc thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đến tuyến tỉnh với tỷ lệ chi trả điều trị nội trú 100% chi phí theo phạm vi mức hưởng tạo sự bất cập làm tăng số lượt khám bệnh, chữa bệnh ở tuyến trên, nhất là nội trú tuyến tỉnh, giảm số lượt khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế xã.
Với người tham gia bảo hiểm y tế, thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh như dự thảo Luật là điều rất đáng mừng. Vậy nhưng, khi thực hiện thông tuyến có thể làm tăng chi từ Quỹ Bảo hiểm y tế cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Mặc dù trong Tờ trình dự thảo Luật, Chính phủ khẳng định Luật được triển khai dự kiến không gây ảnh hưởng tiêu cực và bảo đảm cân đối thu - chi Quỹ Bảo hiểm y tế, nhưng Ủy ban Xã hội, cơ quan thẩm tra dự thảo Luật, vẫn hết sức lưu ý việc bảo đảm khả năng chi trả của Quỹ.
Vì vậy, Chính phủ và Bộ Y tế cần đánh giá tác động kỹ lưỡng đến khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế cũng như tổ chức và hoạt động của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có y tế cơ sở. Cùng với đó, cần nghiên cứu, quy định các giải pháp để tiết kiệm, tránh lãng phí khi thông tuyến. Ví dụ: thực hiện hiệu quả việc liên thông kết quả xét nghiệm cận lâm sàng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; hay hạn chế việc giữ bệnh nhân các ngày thứ bảy, chủ nhật đến thứ hai mới làm thủ tục ra viện; tăng cường hiệu quả, chất lượng khám chữa bệnh, quản lý sức khỏe nhân dân tại cấp ban đầu.
Muốn có chính sách tốt thì cần xem xét thấu đáo trên nhiều góc độ lợi ích; do đó, thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh là vấn đề đáng quan tâm trong dự Luật này.