Thực trạng này được Ủy ban Pháp luật chỉ ra trong báo cáo thẩm tra của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024.
Theo Báo cáo của Chính phủ cho thấy, kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng, ban hành quy định chi tiết năm 2024, có 51/111 văn bản được ban hành có hiệu lực chậm so với hiệu lực thi hành của luật, còn nợ 18/129 văn bản quy định chi tiết các nội dung trong 11 luật…
Như vậy, số lượng văn bản chậm ban hành và chưa ban hành so với cùng kỳ năm trước nhiều hơn, trong đó, văn bản ban hành chậm nhiều hơn 22 văn bản; văn bản nợ nhiều hơn 4 văn bản.
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, sớm đưa các chính sách mới vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tại Kỳ họp thứ Bảy, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó sửa đổi thời điểm có hiệu lực thi hành của các luật này sớm hơn 5 tháng (từ ngày 1.8.2024). Việc ban hành luật này nhằm mục đích sớm đưa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đi vào cuộc sống, khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, an toàn, bền vững, phát triển nhà ở xã hội để phục vụ cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở, góp phần bảo đảm an sinh, xã hội... Tuy vậy, tính đến ngày 7.10.2024 cả 4 luật này đều còn nợ văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong luật.
Điều đáng nói, ngoài nợ văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong luật có hiệu lực thi hành trong năm 2024, vẫn còn tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết đối với các luật được ban hành từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay cũng chưa được khắc phục triệt để, có văn bản nợ trong thời gian dài vẫn chưa được ban hành hoặc chưa có thông tin về việc ban hành.
Nợ đọng văn bản hướng dẫn không còn là điều xa lạ. Thực trạng này vẫn thường được nhắc trong báo cáo hàng năm của Chính phủ, báo cáo của cơ quan của Quốc hội khi đề cập đến tình hình triển khai thi hành luật. Điểm nghẽn xây dựng pháp luật này cũng được nhắc đến nhiều trong các kỳ họp Quốc hội. Trước thực trạng này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng rất sát sao chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để.
Tình trạng chậm, nợ văn bản quy định chi tiết cũng làm giảm đi ý nghĩa, hiệu lực, hiệu quả của các giải pháp đã được Quốc hội quyết định, không phúc đáp kịp thời đòi hỏi của cuộc sống. Sự chậm trễ này gây khó cho cơ quan thực thi trong áp dụng pháp luật. Cùng với đó, quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi khoảng trống pháp lý này.
Để khắc phục điểm nghẽn cố hữu này, đòi hỏi Chính phủ cần đánh giá cụ thể căn nguyên của việc chậm, nợ đọng văn bản, nhất là văn bản tồn đọng lâu ngày, để từ đó có giải pháp tháo gỡ. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, ban hành các văn bản quy định chi tiết, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, bao gồm trách nhiệm ban hành văn bản của cả cơ quan trung ương và địa phương.
Việc công khai, minh bạch cơ quan làm chậm tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết là cần thiết. Tuy nhiên, cùng với đó phải có giải pháp cụ thể để xử lý tình trạng cố tình chây ỳ, đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong tham mưu xây dựng thể chế dẫn đến tình trạng không ban hành văn bản hoặc chậm ban hành văn bản.
Kỳ họp thứ Tám sẽ khai mạc vào tuần tới, cử tri mong rằng tình trạng chậm ban hành, nợ đọng ban hành văn bản hướng dẫn sẽ được các đại biểu Quốc hội tiếp tục đưa ra thảo luận, từ đó có những giải pháp hữu hiệu để khắc phục cho được tồn tại cũ.