Nhìn tổng thể, đến thời điểm này, tình hình kinh tế - xã hội cả nước đã phục hồi rõ nét, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước. Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội nêu rõ, ước cả năm 2024 dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu (một chỉ tiêu xấp xỉ đạt). Trong đó, toàn bộ các chỉ tiêu xã hội đều đạt và vượt, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân tiếp tục được nâng cao, đặc biệt, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân ước đạt kế hoạch đề ra sau 3 năm không đạt. Nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng như trước dịch Covid - 19; tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra...
Dù vậy, bên cạnh những thành tựu là cơ bản thì tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cả trong nội tại với một số bất cập, hạn chế tích tụ nhiều năm nhưng chưa được giải quyết triệt để và cả áp lực từ bên ngoài với những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình quốc tế. Trong đó, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, "sức khỏe" doanh nghiệp còn nhiều vấn đề đáng lo, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn còn lớn (trong 9 tháng năm nay, bình quân mỗi tháng có khoảng 18,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên doanh nghiệp tham gia thị trường trong 9 tháng năm nay là 89,7%, cao hơn mức 79,3% của năm 2023).
Một số điểm nghẽn vẫn chưa được tháo gỡ hiệu quả như: chậm triển khai Quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thể chế pháp luật còn một số vướng mắc, bất cập chưa được tháo gỡ; công tác thực thi có nơi, có chỗ chưa thống nhất; các ngành, lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn… chưa chuyển biến rõ nét, nguy cơ không bắt kịp so với thế giới. Ùn tắc, tai nạn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, bão lũ, ngập úng, sạt lở đất vẫn là thách thức lớn...
Những thách thức trên đây rõ ràng không thể xử lý chỉ bằng những biện pháp ngắn hạn, đơn lẻ mà đòi hỏi phải hết sức đồng bộ và đặc biệt là phải quyết liệt trong hành động. Thực tế cho thấy, dù cả hệ thống đã hành động quyết liệt hơn rất nhiều trong thời gian qua thì công tác thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước vẫn còn những hạn chế. Điều này khiến cho nhiều cơ chế, chính sách dù đúng, trúng, được ban hành kịp thời vẫn chậm đi vào cuộc sống, chậm phát huy hiệu quả, không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn làm giảm niềm tin của cử tri và Nhân dân.
Theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Tám đến thời điểm này thì Quốc hội sẽ họp trong 28,5 ngày, xem xét 42 nội dung, nhóm nội dung, trong đó có 30 nội dung thuộc công tác lập pháp. Khá nhiều dự án Luật trong số này được Chính phủ đề nghị xem xét, thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp để tháo gỡ ngay những vướng mắc trong các lĩnh vực rất quan trọng của nền kinh tế như: đầu tư, quy hoạch, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, thuế, điện lực, ngân sách nhà nước...
Với khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp, phạm vi tác động rộng, dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Tám đã được xây dựng rất sít sao, Quốc hội cũng sẽ làm việc 3 ngày thứ bảy, rút ngắn tối đa thời gian giữa hai đợt của kỳ họp - cũng có nghĩa là các cơ quan của Quốc hội sẽ phải làm việc ngoài giờ hành chính, bất kể ngày đêm để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội thông qua.
Trong khi đó, ngày 15.10 vừa qua, khi chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa sẽ khai mạc kỳ họp, Ban Cán sự Đảng Chính phủ vẫn tha thiết đề nghị bổ sung 4 nội dung bởi các nội dung này đều rất quan trọng, cấp bách cần phải được xử lý sớm để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tinh thần của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, như Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nhiều lần khẳng định, “luôn sẵn sàng” nếu hồ sơ các nội dung được chuẩn bị đầy đủ, bảo đảm chất lượng. Như thế để thấy rằng, cả Quốc hội và Chính phủ đều đang dốc toàn lực cho việc kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bảo đảm đời sống của Nhân dân.
Và như vậy, phải gỡ cho được những tồn tại trong công tác tổ chức thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước để cả hệ thống chính trị, "trên dưới một lòng, dọc ngang thông suốt" quyết tâm, quyết liệt, quyết làm chuyển hóa các quyết sách của Đảng, của Quốc hội, Chính phủ vào cuộc sống, đem lại lợi ích cao nhất cho đất nước, cho Nhân dân.