Một ví dụ điển hình của tình trạng này được doanh nghiệp ngành thủy sản phản ánh. Theo quy định tại Nghị định số 37/2024/NĐ-CP của Chính phủ, kể từ ngày 19.5.2024, cá ngừ vằn được phép khai thác phải có chiều dài tối thiểu là 500mm. Nếu dưới kích cỡ này thì các doanh nghiệp sẽ không được thu mua để chế biến xuất khẩu.
Quy định này nhằm bảo vệ nguồn lợi cá ngừ, tránh khai thác cá ngừ ở kích thước nhỏ. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sản lượng cá ngừ đạt kích cỡ này thực tế rất thấp, chỉ chiếm 10 - 20% mẻ lưới. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng đã dừng thu mua cá ngừ vằn có chiều dài dưới 500mm, dẫn đến tình trạng tàu cá phải “nằm bờ”, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất thủy sản cũng như đời sống của chủ tàu, thuyền viên.
Trong khi đó, đối với cá ngừ vằn, các quốc gia và các tổ chức quản lý nghề cá thường áp dụng hạn ngạch khai thác, thay vì quản lý kích thước khai thác. Như vậy, cùng một mục đích chính sách, ở đây là bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhưng cách tiếp cận khác biệt so với thông lệ quốc tế sẽ tạo thiệt thòi cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời ngành cá ngừ nước ta sẽ thua thiệt về cạnh tranh so với các nước khác. Quy chuẩn khai thác cá, vì vậy, đã tạo ra lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp, người dân.
Một ví dụ khác là Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 20:2019/BKHCN về thép không gỉ. Sau khi tham vấn doanh nghiệp và chuyên gia, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ bãi bỏ hẳn quy chuẩn này, vì việc quản lý thép không gỉ bằng quy chuẩn kỹ thuật theo Danh mục hàng hóa nhóm 2 không phù hợp với Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007.
Hơn nữa, QCVN 20:2019/BKHCN ảnh hưởng quyền lợi của người tiêu dùng khi hạn chế quyền lựa chọn hàng hóa phù hợp với nhu cầu. VCCI cho rằng, với những doanh nghiệp lừa dối người tiêu dùng, quảng cáo thép chất lượng tốt nhưng cung cấp thép chất lượng kém thì cơ quan nhà nước xử phạt nghiêm, thay vì ban hành quy chuẩn kỹ thuật cấm một mặt hàng chỉ vì chất lượng thua kém mặt hàng khác.
Đặc biệt, QCVN 20:2019/BKHCN khiến thép không gỉ không thể nhập khẩu để làm nguyên liệu gia công hàng hóa trong nước; song hàng hóa sử dụng loại thép này lại không cần kiểm tra theo QCVN 20:2019/BKHCN và được nhập khẩu bình thường. Như vậy, quy chuẩn này dường như đang tạo thuận lợi cho hàng hóa nhập khẩu thay vì bảo vệ và khuyến khích sử dụng hàng hóa cùng loại sản xuất trong nước.
Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhận diện một số dạng thức của lãng phí “đang nổi lên gay gắt hiện nay”. Trong đó có “chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà…”. Chiếu theo đó, tình trạng các quy chuẩn, kỹ thuật, các quy định về công bố hợp quy không mang tính thực tiễn, gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng có thể coi là một dạng lãng phí.
Dạng lãng phí này làm “giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí”, “tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước”, cần phải chống, phải khắc phục bằng các giải pháp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chỉ ra trong bài viết. Theo đó, các bộ, ngành cần tập trung rà soát, sửa đổi, thay thế các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các yêu cầu công bố hợp quy không còn phù hợp. Có như vậy, công cuộc chống lãng phí ở nước ta mới có thể đạt hiệu quả thực chất.