Theo đó, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội và một số vấn đề quan trọng khác. Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 15 luật, 3 nghị quyết quy phạm pháp luật; xem xét, cho ý kiến đối với 13 dự án luật; quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng như xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam…
Có thể thấy, đây là kỳ họp có nhiều nội dung, nhiều vấn đề lớn, nhiều dự án lớn với phương pháp tiếp cận mới. Và như khẳng định của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thì số lượng đề án nhiều nhất kể từ đầu nhiệm kỳ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp nhiều phiên, làm việc với Chính phủ và tài liệu được gửi đại biểu Quốc hội sớm hơn các phiên trước. Với trên 80 đề án, hiện có 132/154 đầu tài liệu chính thức đã được gửi tới đại biểu Quốc hội.
Thời gian đọc tài liệu trên hội trường sẽ giảm để Quốc hội có thời gian thảo luận. Thời gian thảo luận ở tổ cũng được tăng, giảm thời gian thảo luận hội trường để nhận được nhiều ý kiến hơn. Đặc biệt, Quốc hội làm việc 4 ngày thứ Bảy và sẵn sàng làm cả buổi tối.
Đây là lực rất lớn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng như của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan, nhằm hướng đến mục tiêu cao nhất, như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại hội nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Đảng Đoàn Quốc hội về Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV diễn ra hôm 15.10 vừa qua là đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng kịp thời cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng.
Những đổi mới này theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn là đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả. Phải xuất phát và đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển và sự thay đổi nhanh của thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các nội dung thuộc thông tư, nghị định, tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Đặc biệt, các luật, nghị quyết trình Quốc hội phải có chất lượng, khả thi, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, có "tuổi thọ" cao và quán triệt sâu sắc Quy định số 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Tinh thần chung là bảo đảm khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thi hành luật đạt hiệu quả cao nhất.
Thông thường, trọng tâm các kỳ họp cuối năm của Quốc hội sẽ dành cho công tác lập pháp. Nhưng tại kỳ họp này, khối lượng công việc rất lớn, bao gồm cả lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có thể khẳng định những vấn đề được Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp này sẽ đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của đời sống, tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các "điểm nghẽn", tất cả vì phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân, đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của cử tri.