Trường Đại học Hà Nội giải thích về việc tăng học phí

Tối 21.5, Trường Đại học Hà Nội đưa ra thông báo giải đáp thắc mắc của sinh viên về vấn đề tăng học phí, đang gây nhiều tranh luận trong những ngày gần đây.

Vì sao phải tăng học phí?

Trường Đại học Hà Nội lý giải, nhà trường được Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính giai đoạn 2011 - 2013 tại Quyết định số 1329/QĐ-BGDĐT.

Giai đoạn 2011 - 2013,  Trường Đại học Hà Nội là một trong bốn trường đại học ở miền Bắc được Bộ GD-ĐT thí điểm giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên.

Cơ chế tự chủ trong giai đoạn này được thực hiện theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25.4.2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, sau đó được thay thế bởi Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14.2.2015.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24.10.2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017,  Trường Đại học Hà Nội đã xây dựng Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015 - 2017 và được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 20.3.2015. Theo Đề án, Trường Đại học Hà Nội tự chủ hoàn toàn kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư.

Cơ chế tự chủ ở giai đoạn này gồm 5 nhóm quyền tự chủ: thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy nhân sự; tài chính; chính sách học bổng, học phí đối với đối tượng chính sách; đầu tư, mua sắm.  

Trường Đại học Hà Nội phải tự đảm bảo hoàn toàn các khoản chi cho hoạt động của nhà trường, gồm: lương của toàn bộ đội ngũ nhân sự, các khoản đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, đầu tư xây dựng cơ bản, điện, nước, vệ sinh, đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ người học nâng cao chất lượng đào tạo của trường, các hoạt động ngoại khóa của sinh viên, học bổng; các quỹ dự phòng và đầu tư phát triển.

Nhờ thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện, Trường Đại học Hà Nội đã có sự đột phá trong nhiều lĩnh vực hoạt động, nâng cao hiệu quả trên tất cả các mặt đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự.

Hiện nay, Trường Đại học Hà Nội được giao quyền tự chủ tài chính giai đoạn 2023 - 2025 (QĐ số 465/QĐ-BGDĐT ngày 31.1.2024 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT).

Theo đó, Trường Đại học Hà Nội là trường tự chủ nhóm 1, thực hiện tự chủ toàn phần kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư theo tinh thần của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật 34) và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30.12.2019 hướng dẫn thi hành Luật 34, Nghị định 120/2020/NĐ-CP ngày 07.10.2020 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21.6.2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Việc thu học phí của trường hiện nay tuân thủ theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2023/NĐ-CP năm 2023.

Theo các Nghị định này, Chính phủ cho phép các trường tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư tự xác định mức học phí theo cơ chế tính đúng, tính đủ. Việc tăng học phí theo lộ trình, nhưng không quá 15% so với năm học trước.

Sinh viên bức xúc vì học phí bất ngờ tăng, Trường Đại học Hà Nội lên tiếng
Năm học 2024, học phí của Trường Đại học Hà Nội tăng từ 9-11% tùy theo ngành học so với năm học 2023

Lộ trình điều chỉnh học phí đã được nhà trường công khai, minh bạch

Với ý kiến cho rằng trường đã không giữ đúng cam kết "giữ nguyên mức học phí trong vòng 4 năm" khi tư vấn tuyển sinh, Trường Đại học Hà Nội cho biết, ngày 4.4.2022, Ban tư vấn tuyển sinh của trường tham gia một buổi tư vấn trực tuyến tổ chức ở ngoài trường về công tác tuyển sinh năm 2022.

Trong buổi tư vấn này, các tư vấn viên đã sử dụng thông tin của năm học 2020 và 2021 để cung cấp thông tin cho người quan tâm. Trong đó, thông tin về học phí của năm 2020 và 2021 là không thay đổi trong 4 năm học. Tại thời điểm này, nhà trường chưa ban hành Đề án tuyển sinh và mức học phí cho năm 2022.

Đến ngày 6.7.2022, Trường Đại học Hà Nội phê duyệt và công khai Đề án tuyển sinh năm 2022, trong đó có quy định về học phí hình thức đào tạo chính quy trình độ đại học năm 2022.

Theo đó, mức thu học phí có thể được điều chỉnh theo các năm học theo lộ trình điều chỉnh học phí của Chính phủ và tùy thuộc tình hình thực tế, nhưng mức tăng tối đa 15% /năm họcThông tin về học phí đối với khoá tuyển sinh năm 2022 cũng đã được Ban tư vấn tuyển sinh của trường cung cấp trong buổi tư vấn tuyển sinh trực tuyến ngày 13.7.2022. 

Về việc điều chỉnh học phí của khoá 2022, theo Đề án tuyển sinh năm 2022, Trường Đại học Hà Nội đã tạm thu học phí là 600.000 đồng/tín chỉ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165/2022/NQ-CP đề nghị các cơ sở giáo dục công lập giữ ổn định mức học phí năm học 2022-2023 bằng mức học phí năm học 2021-2022.

Do đó, Trường Đại học Hà Nội đã tính bù trừ học phí đã nộp từ học kỳ I với số tiền học phí cần đóng của học kỳ II để sinh viên khóa 2022 đóng học phí như khóa 2021 (480.000 đồng/tín chỉ).

Đến năm 2023 và năm 2024, trường đã thực hiện việc tăng học phí theo lộ trình như đã công bố trong Đề án tuyển sinh và Quy định về học phí đã ban hành năm 2022.

Năm học 2024, học phí của Trường Đại học Hà Nội tăng từ 9-11% tùy theo ngành học so với năm học 2023. Học phí trung bình của các ngành là 72% so với mức trần của Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ngày 31.12.2023 của Chính phủ và mức điều chỉnh không vượt quá 15% so với năm học trước như đã thông báo.

Trường Đại học Hà Nội khẳng định, mức thu học phí và lộ trình điều chỉnh học phí của khóa 2022 đã được nhà trường công khai, minh bạch, đúng thời điểm và đúng quy định của pháp luật trên trang website của nhà trường. Đầu mỗi năm học, nhà trường cũng có thông báo cụ thể về học phí cần thu của từng năm qua phần mềm Quản lý đào tạo.

Trường Đại học Hà Nội cũng đưa ra hướng dẫn, sinh viên nếu vẫn có các câu hỏi có thể gửi email về Phòng Công tác sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp của nhà trường để được giải đáp. Đối với những sinh viên có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn về kinh tế có thể liên hệ với Phòng Công tác Sinh viên và Quan hệ Doanh nghiệp để được hướng dẫn cụ thể.

Đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo từ nguồn thu học phí

Cũng theo Trường Đại học Hà Nội, từ nguồn thu học phí và các nguồn thu khác, cơ sở vật chất của nhà trường không ngừng được đầu tư, nâng cấp. Các tòa nhà giảng đường và kí túc xá thường xuyên được tu bổ theo hướng hiện đại hóa. Nhà trường đang triển khai Đề án chuyển đổi số theo mô hình đại học số và hướng đến đại học thông minh.

Nhà trường cũng đã đầu tư cho đội ngũ để nâng cao chất lượng đào tạo, gồm: đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, thu hút các giảng viên có trình độ cao.

Trường Đại học Hà Nội cũng triển khai việc xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo; mua giáo trình, tài liệu giảng dạy tiên tiến của nước ngoài; tăng cường các hoạt động kết nối doanh nghiệp để sinh viên đưa sinh viên đi kiến tập, thực tập, tìm kiếm cơ hội việc làm hoặc mời doanh nghiệp vào trường trao đổi các kinh nghiệm thực hành nghề nghiệp. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế để mời giảng viên nước ngoài tới tham gia giảng dạy và để sinh viên có cơ hội đi học trao đổi ở nước ngoài, thực tập và thực tập có hưởng lương ở trong và ngoài nước…

Nhà trường đã thực hiện và đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học vào năm 2017 và năm 2023 theo bộ tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT; đã kiểm định chất lượng 14 chương trình đào tạo.

Về chi học bổng và hỗ trợ sinh viên, trong 3 năm trở lại đây, Trường Đại học Hà Nội đã chi 54,19 tỉ đồng cho 5.604 lượt sinh viên theo nhiều hình thức: học bổng khuyến khích học tập, sinh viên gia đình chính sách, sinh viên dân tộc thiểu số và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, nhà trường đã hỗ trợ kinh phí để sinh viên triển khai các hoạt động Đoàn-Hội, chi cho các hoạt động thể dục thể thao, ngoại khóa và các phong trào khác của sinh viên.

Giáo dục

Hà Nội: Hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Giáo dục

Hà Nội: Hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Thành phố Hà Nội sẽ xây dựng phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, diện hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa…vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau, các học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn và sử dụng sách giáo khoa hiệu quả.

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn
Giáo dục

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ đạo UBND huyện Châu Đức khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn, bảo đảm nguyên tắc xử lý dứt điểm, không né tránh, không bao che, không đối phó.

Lẵng hoa đặc biệt “quét QR” trong lễ khai giảng năm học mới của Trường Đại học Ngoại thương
Giáo dục

Lẵng hoa đặc biệt “quét QR” trong lễ khai giảng năm học mới của Trường Đại học Ngoại thương

Ngay trên sân khấu của buổi lễ khai giảng, Trường Đại học Ngoại thương đã chuẩn bị một lẵng hoa đặc biệt với thông tin tài khoản của Ban cứu trợ Trung ương - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để lan tỏa tinh thần vì cộng đồng, chung tay giúp đỡ đồng bào chịu hậu quả nặng nề sau bão Yagi.

4 “chàng trai Vàng” Olympic quốc tế Sinh học, Hóa học năm 2024 chọn Trường Đại học Y Hà Nội
Giáo dục

4 “chàng trai Vàng” Olympic quốc tế Sinh học, Hóa học năm 2024 chọn Trường Đại học Y Hà Nội

Các “chàng trai Vàng” Olympic Sinh học quốc tế (IBO) năm 2024 gồm: Nguyễn Tiến Lộc, Nguyễn Sĩ Hiếu, Đặng Tuấn Anh; cùng Nguyễn Hữu Tiến Hưng - Huy chương Vàng, thí sinh có điểm cao nhất đoàn Việt Nam tại Olympic Hóa học Quốc tế (IChO) 2024 cùng chọn theo học ngành Y khoa, Trường Đại học Y Hà Nội.