Hội chứng "kẻ giả mạo" tăng trở lại cùng làn sóng AI
Trong thế giới của AI, rất nhiều người “thường thường” đều có thể vụt sáng trở thành chuyên gia biết hết mọi lĩnh vực, do chịu khó đọc và viết lại nội dung do AI soạn. Nhưng cũng chính vì vậy, có nhiều chuyên gia thực sự đang cảm thấy mình như “kẻ giả mạo” (impostor syndrome).
Đây là cảm giác rằng bạn không xứng đáng với thành tựu của mình, thấy bản thân không giỏi, không thông minh như người khác nghĩ và những điều mình trăn trở để tư vấn cho người khác không có gì là mới mẻ. Nhiều người cũng tự hỏi rằng "điều tôi nói là do mới đọc được từ AI, liệu tôi có đang trở nên quá phụ thuộc vào AI?" hay "liệu AI có đang làm hết mọi việc và tôi chỉ làm/nói theo?".
Hội chứng này đã được đề cập từ năm 1970, dẫu không được đưa chính thức vào y văn. Tuy nhiên, người ta thấy vấn đề này đang tăng trở lại cùng với làn sóng AI được phổ biến thời gian qua.
Nếu bạn có cảm giác như vậy, rõ ràng là bạn không cô đơn và ngày càng có nhiều người sẽ có cảm giác tương tự, trong xu hướng nhà nhà, người người tích hợp AI vào cuộc sống và công việc để tăng hiệu suất.

Hội chứng này thường xuất hiện và ảnh hưởng nhiều hơn đến những ngành nghề đòi hỏi sự tư duy sâu và phạm vi rộng, toàn diện. Có thể nói, vai trò và vị thế của cá nhân càng cao thì càng dẫn đến sự nghi ngờ bản thân, đặc biệt khi đạt được thành công quá nhanh, quá dễ dàng, do nhờ AI mà họ tạo ra được những hiểu biết sâu sắc, những bài viết cảm xúc, những đề xuất đột phá với sự cố gắng tối thiểu.
Khi AI càng thông minh, AI tự định hướng, tự quyết (như Manus ra đời) thì nhóm những “chuyên gia” này xuất hiện càng nhiều và đang phải chịu đựng một làn sóng bất an mới. Đó là sự nghi ngờ bản thân liệu mình có tạo ra “nội dung gốc” hay không, kỹ năng của mình có đáng giá hay không, mình thực sự thông minh hay do AI thông minh.
Ví dụ, một nhà sáng tạo nội dung sử dụng ChatGPT để tăng tốc quá trình viết có thể cảm thấy rằng họ không tạo ra nội dung "nguyên bản", dẫn đến nghi ngờ về kỹ năng của mình. Hoặc một nhà khoa học dữ liệu có thể đặt câu hỏi về giá trị đóng góp của mình khi các nền tảng AI có khả năng thực hiện các phân tích phức tạp mà trước đây cần hàng giờ làm việc thủ công. Chính AI đang cướp đi của chúng ta sự nỗ lực trí tuệ truyền thống khi tư duy sâu về các vấn đề, khiến chúng ta rơi vào mâu thuẫn giá trị.
Tuy nhiên, trên thực tế, chuyên môn của các chuyên gia vẫn rất quan trọng trong việc hướng dẫn sử dụng công cụ bằng các prompt, giải thích dữ liệu và đưa ra quyết định sáng suốt, mà AI hiện vẫn chưa thực hiện được tự động hoàn toàn.
Cần xem AI như một phần mở rộng của trí thông minh con người
AI đã và đang thay đổi quan niệm về trí thông minh từ “những gì chúng ta biết” sang “cách chúng ta làm để định hình tri thức của mình”.
Trí thông minh trước đây được xây dựng qua việc kiên trì, nỗ lực, lặp đi lặp lại, gắng sức tinh thần và vượt khó để xác thực một tri thức mới.
Nhưng những tri thức mới ngày nay được AI cung cấp ngay lập tức, khiến chúng ta cảm thấy quá dễ dàng, không còn thấy thỏa mãn khi khai mở một tri thức mới; cũng chẳng thấy mình còn giá trị đóng góp gì ý nghĩa khi AI tạo ra một ý tưởng hay tinh chỉnh một chiến lược trong một vài giây. Chúng ta tự hỏi, cái “sáng tạo” đó là của ta hay của thuật toán.

AI đã phá vỡ quan niệm về trí thông minh truyền thống. Thông minh có 99% là mồ hôi, nước mắt. Thông minh giờ đây không còn là nỗ lực. Và sáng tạo rơi vào một cuộc khủng hoảng về bản sắc con người hay quyền tác giả là của người hay máy.
Nhiều khảo sát đã cho thấy hơn 50% những người sử dụng AI tin rằng trợ lý AI của họ thông minh hơn họ. Do đó, họ từ bỏ nỗ lực suy nghĩ, dần trở nên phụ thuộc vào AI để suy nghĩ và ra quyết định. Xét trên khía cạnh giáo dục, đây là một tình trạng rất đáng quan ngại.
Những khảo sát gần đây cho thấy dường như 80% chúng ta đã và đang tích hợp AI vào quá trình làm việc và sáng tạo. Câu hỏi là liệu sự khó chịu này sẽ gia tăng hơn? Con người sẽ gặp những vấn đề gì? Họ ngày càng tự ti rằng suy nghĩ và sáng tạo của họ chỉ là do họ thuê ngoài (thuê trả phí cho các AI làm hộ), còn lại là bản sắc trí tuệ con người.
Cách để chúng ta vượt qua cũng giống như nỗi sợ công nghệ (technophobia) trước đây sẽ phai nhạt dần với sự bình thường hóa và phổ biến của công nghệ. Chúng ta đã từng sợ máy tính cướp việc, sợ ô tô gây ra tai nạn thì bây giờ AI cũng theo một quỹ đạo đó. Thay vì chống lại AI bằng những quan ngại đạo đức, nên tiếp cận theo cách tái định nghĩa lại trí thông minh để phù hợp hơn với thế giới mới này.
Cần xem AI như một phần mở rộng của trí thông minh con người. Thời đại này không thể xem trí thông minh đơn giản chỉ là kết quả đơn lẻ của chăm chỉ và nỗ lực, mà phải xem như một quá trình liên tục, năng động phối hợp giữa trí tuệ và trí tuệ nhân tạo để tinh chỉnh các ý tưởng, đào sâu sắc hơn những hiểu biết sâu sắc đã được tạo ra.
Trí thông minh không còn được đo bằng nỗ lực để ra một ý tưởng bừng sáng đơn lẻ, mà bằng cuộc đấu tranh tìm tòi, lặp đi lặp lại các chỉ dẫn cho AI; là chiến lược mới để tổng hợp, định hướng, cải tiến, với sự thúc đẩy của AI để ra được một kết quả có ý nghĩa, tạo ra được giá trị mới cho con người và phục vụ cuộc sống.
Giá trị của trí thông minh không nằm ở việc chúng ta làm việc chăm chỉ như thế nào mà là chúng ta tham gia hiệu quả như thế nào với tri thức nền, với tư duy AI và ý tưởng sáng tạo. Giá trị ở đây là sự tham gia, chúng ta làm chủ quá trình ngay cả khi AI hỗ trợ. Giá trị của trí thông minh không phải là biết nhiều kiến thức phổ thông (kiến thức thường thức, nông) mà là độ sâu sắc và xác đáng của nhận thức. Và AI cũng giống như một bộ khuếch đại chiến lược và tư duy của chúng ta.
Công thức để dễ nhớ bằng tiếng Anh là ROE (gồm Reframe Intelligence - Own the Process và Effort vs Strategy), có nghĩa là định hình lại tiếp cận về trí thông minh, làm chủ quá trình tạo ra tri thức mới và chiến lược để khuếch đại tư duy sâu sắc, sáng tạo chứ không phải nỗ lực. Đó là những cách thức để vượt qua hội chứng “kẻ giả mạo” ở những chuyên gia thực sự.
AI không thay thế trí thông minh mà đang thay đổi cách chúng ta định nghĩa về nó.
Sự gia tăng của hội chứng "kẻ mạo danh" do AI báo hiệu một sự thay đổi tiềm năng trong bản sắc nhận thức, thách thức chúng ta xem xét lại ý nghĩa của công tác giáo dục, tư duy, sáng tạo và sự thông minh trong một thế giới nơi trí thông minh hiện không còn là độc quyền của con người.
Trong thế giới của AI tự quyết, không phải đi chứng minh sự thông minh của ta với AI hơn kém nhau, mà cần học cách định hình trí thông minh với sự khuếch đại của AI.