Theo đó thời gian qua, Bộ GD-ĐT nhận được thông tin phản ánh về việc một số trường sử dụng các tổ hợp xét tuyển không phù hợp với ngành đào tạo, gây lo ngại về tính chính danh và chất lượng đầu vào. Tình trạng này nếu không được chấn chỉnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công bằng giữa các thí sinh và chất lượng đào tạo đại học.
Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 12 tốt nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó học sinh được lựa chọn môn học theo định hướng cá nhân. Điều này dẫn đến việc có em không học một số môn như trước đây vẫn là thành phần của tổ hợp xét tuyển truyền thống.
Do đó, việc giữ nguyên các tổ hợp cũ hoặc sử dụng tổ hợp thiếu căn cứ sẽ tạo ra bất cập lớn trong kỳ tuyển sinh.
Trước thực tế trên Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường rà soát toàn bộ tổ hợp và phương thức xét tuyển đang áp dụng; lựa chọn tổ hợp môn dựa trên kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi cần thiết cho ngành đào tạo.
Đối với khối ngành sư phạm, đặc biệt lưu ý tổ hợp xét tuyển hoặc ngưỡng đầu vào cần gắn chặt với yêu cầu về kiến thức môn học tương ứng. Các trường chịu trách nhiệm giải trình rõ ràng, có căn cứ khoa học và thực tiễn cho mỗi tổ hợp, phương thức xét tuyển được lựa chọn.
Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ kiên quyết chấn chỉnh những trường hợp vi phạm quy chế, đồng thời yêu cầu các trường tuân thủ nghiêm các quy định, văn bản hướng dẫn hiện hành.
Việc tổ chức tuyển sinh phải đặt mục tiêu bảo đảm chất lượng đào tạo, tạo công bằng cho thí sinh và đáp ứng yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Năm 2025, Bộ GD-ĐT không giới hạn tối đa 4 tổ hợp xét tuyển cho mỗi ngành như những năm trước. Mục tiêu của thay đổi này là để thí sinh dù lựa chọn các bài thi tốt nghiệp THPT khác nhau thì cơ hội trúng tuyển vào ngành học mong muốn vẫn được giữ nguyên; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh ở tất cả vùng miền.
Nhiều trường đại học công bố phương án tuyển sinh 2025, trong đó sử dụng cả các tổ hợp khá "lạ" như tuyển sinh ngành Ngôn ngữ Anh nhưng xét tổ hợp không có môn tiếng Anh, hay ngành Sư phạm Lịch sử nhưng tổ hợp không yêu cầu môn Lịch sử, tuyển sinh ngành Y nhưng không có môn Sinh học trong tổ hợp. Có trường tuyển sinh ngành Sư phạm Vật lý và Hóa học bằng khối D01, cùng một số tổ hợp không có môn Lý hoặc Hóa,...
Trao đổi với báo chí liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, việc các trường sử dụng tổ hợp lạ để xét tuyển là do các trường chưa hiểu rõ sự khác biệt của mùa tuyển sinh đại học năm nay so với những năm trước.
Cụ thể, những năm trước, học sinh THPT học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006, được học tất cả các môn.
Với ngành Sức khỏe, trước đây ngay cả khi không tuyển tổ hợp có Sinh học thì học sinh cũng có kiến thức nhất định, vì đã học môn này ở phổ thông. Tuy nhiên, 2025 là năm đầu tiên lứa học sinh theo chương trình phổ thông mới tốt nghiệp. Chương trình THPT có 4 môn bắt buộc là Toán, Văn, Lịch sử và Ngoại ngữ 1, cùng các môn lựa chọn. Vì vậy, nếu một trường tuyển ngành Y mà không dùng môn Sinh có thể dẫn đến việc một thí sinh không học môn này lại trúng tuyển.
Thứ trưởng nhấn mạnh, các ngành và tổ hợp tuyển sinh phải đáp ứng nguyên tắc cơ bản: có độ tin cậy, đánh giá được yêu cầu đầu vào, phân loại thí sinh. Vi phạm các nguyên tắc này, trường nên rà soát lại.