Kỳ khảo sát học sinh trên toàn Hà Nội diễn ra từ ngày 21.3 đến 23.3 với sự tham gia của hơn 118.000 học sinh lớp 12 các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thành phố.
Học sinh làm 2 bài kiểm tra bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ định hướng công nghiệp, Công nghệ định hướng nông nghiệp, Tiếng Anh.

Học sinh làm bài theo đề chung do Sở GD-ĐT Hà Nội xây dựng. Về hình thức, đề đảm bảo quy định về cấu trúc định dạng đề thi của kỳ thi tốt THPT từ năm 2025.
Ma trận và cấu trúc đề thi bám sát đề tham khảo của Bộ GD-ĐT với 3 mức độ: nhận biết (40%), thông hiểu (30%), vận dụng (30%); đảm bảo các yêu cầu cần đạt và phân hoá năng lực theo yêu cầu. Nội dung đề thi có tính chính xác, khoa học và đặc biệt bám sát các yêu cầu chuyên môn trong công tác dạy học phát triển năng lực, đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề có tính thực tiễn.
Số liệu của Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, lớp 11 có gần 120.000 học sinh tham gia khảo sát (chiếm tỷ lệ 98,8%); với lớp 12, số lượt thí sinh làm bài kiểm tra là gần 465.000 (chiếm tỷ lệ 98,54%).
Sau khi hoàn thiện công tác chấm bài, Sở GD-ĐT đánh giá kết quả khảo sát chất lượng toàn TP năm nay thấp hơn so với năm ngoái.
Với lớp 12, số bài thi đạt điểm tuyệt đối ít; số điểm trên 8 chiếm tỷ lệ 7,73%; số điểm từ 5 - 7 chiếm nhiều nhất với tỷ lệ 54,78%; tỷ lệ bài thi đạt điểm dưới trung bình (dưới 5) còn khá cao, chiếm tỷ lệ gần 32%.
Qua kết quả khảo sát, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị, nhà trường thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Sở về tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh. Các trường cần tập trung rà soát, phân loại trình độ học sinh để xây dựng phương án ôn tập, bồi dưỡng phù hợp với kế hoạch giáo dục của đơn vị. Trong đó, cần chú ý đảm bảo độ phủ kiến thức các chủ đề ôn tập ở từng môn học theo đúng hướng dẫn.
Bên cạnh đó, tổ, nhóm chuyên môn cần chú trọng hướng dẫn học sinh rèn luyện kỹ năng giải quyết các câu hỏi dạng Đúng - Sai theo từng chủ đề trong chương trình lớp 12. Giáo viên cũng cần nâng cao chất lượng công tác biên soạn câu hỏi, đảm bảo mức độ tư duy được tăng dần.
Một số giáo viên tại Hà Nội cho biết, phổ điểm từ khảo sát chất lượng học sinh khối 11 và 12 đã phản ánh rõ sự phân hóa trình độ, qua đó làm rõ kết quả làm bài của các nhóm học sinh khá, giỏi, trung bình và yếu.
Nhìn chung, bên cạnh số học sinh có học lực tốt, đều các môn, vẫn còn một bộ phận học sinh yếu, có nguy cơ trượt tốt nghiệp, cần được quan tâm hỗ trợ ôn tập nhiều hơn.
Thông qua kết quả kiểm tra, khảo sát, các nhà trường và giáo viên bước đầu xác định được chất lượng giáo dục của trường, của lớp; đồng thời giúp học sinh lớp 12 làm quen với kỳ thi tốt nghiệp THPT, định hướng đúng năng lực và sở trường của bản thân.