Thứ trưởng Bộ GD-ĐT phân tích về Quy đổi điểm trúng tuyển đại học năm 2025

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, việc quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các phương thức là phương án khoa học và công bằng hơn rất nhiều so với quyết định điểm chuẩn dựa vào chỉ tiêu. 

Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư sửa đổi Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng sư phạm, áp dụng từ mùa tuyển sinh 2025. Một trong những nội dung đổi mới của Quy chế là yêu cầu các cơ sở đào tạo quy đổi tương đương điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp xét tuyển đổi với một ngành đào tạo.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đã có cuộc trao đổi với báo chí liên quan đến nội dung này.

Vì sao Bộ GD-ĐT đưa ra yêu cầu quy đổi điểm?

- Thưa Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, vấn đề quy đổi điểm giữa các phương thức xét tuyển đại học năm 2025 đang gây một số ý kiến tranh luận trên các diễn đàn. Thứ trưởng có thể cho biết vì sao Bộ GD-ĐT đưa ra yêu cầu này?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn: Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 có 2 điểm đổi mới nổi bật. Thứ nhất, theo Quy chế mới, sẽ không còn xét tuyển sớm. Đây là thay đổi nhận được sự đồng thuận rất cao trong thời gian qua.

Thứ hai là việc quy đổi điểm giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển. Qua quá trình xin ý kiến của các trường đại học, đặc biệt từ những người trực tiếp làm công tác tuyển sinh và các nhà khoa học, Bộ GD-ĐT cũng nhận được sự đồng thuận cao trong vấn đề quy đổi điểm.

Quy chế do Bộ GD-ĐT ban hành đã có sự điều chỉnh so với bản dự thảo trước đó. Cụ thể, bản dự thảo yêu cầu quy đổi cả thang điểm giữa các phương thức, nhưng trong Quy chế chính thức chỉ yêu cầu quy đổi tương đương điểm trúng tuyển, có nghĩa đơn giản hơn rất nhiều. Bởi cuối cùng chúng ta cần xác định với một ngành có nhiều phương thức xét tuyển, các điểm chuẩn phải đảm bảo mức độ tương đương về đánh giá năng lực đầu vào của người học.

Trong trường hợp một ngành, một chương trình chỉ sử dụng một phương thức xét tuyển, như chỉ dùng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT thì các trường không cần thực hiện quy đổi. Nhưng nếu một ngành sử dụng từ hai phương thức xét tuyển trở lên thì phải có sự quy đổi tương đương.

4370e260a00713594a16-8628-1442.jpg
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn

Chúng ta cần đặt câu hỏi tại sao cùng xét tuyển vào một ngành, chẳng hạn phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT lấy 25 điểm, trong khi điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội lại lấy 120/150 điểm, điểm đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội lấy 70-80 điểm, xét học bạ lại lấy 26 điểm?,... Điểm chuẩn trúng tuyển từ nhiều phương thức khác nhau phải đánh giá được mức độ tương đương về năng lực của thí sinh, đó là lý do Bộ đưa ra yêu cầu này.

Tất nhiên, yêu cầu này cũng xuất phát từ bất cập lớn trong những năm trước, khi các trường xác định điểm chuẩn trúng tuyển theo chỉ tiêu từng phương thức. Trong khi đó, việc phân chia chỉ tiêu giữa các phương thức hầu như rất khó có căn cứ rõ ràng.

Xác định điểm chuẩn trúng tuyển có hai cách: một là dựa vào phân chia chỉ tiêu, hai là dựa trên phân tích và quy đổi tương đương. Rõ ràng, việc quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các phương thức là phương án khoa học và công bằng hơn rất nhiều so với quyết định điểm chuẩn dựa vào chỉ tiêu.

Phải khẳng định một lần nữa rằng Quy chế của Bộ GD-ĐT không bắt buộc quy đổi tương đương tất cả phương thức xét tuyển, mà chỉ yêu cầu quy đổi điểm trúng tuyển trong phạm vi nào đó đối với các ngành, các chương trình đào tạo sử dụng nhiều phương thức xét tuyển.

Phương pháp quy đổi điểm để đảm bảo khoa học, công bằng

- Một số ý kiến cho rằng, các kỳ thi có bản chất khác nhau, yêu cầu kiến thức khác nhau thì khó có thể quy đổi về cùng thang điểm, Thứ trưởng suy nghĩ sao về quan điểm đó?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn: Chúng tôi đồng ý với ý kiến đó, rằng nếu các kỳ thi hướng đến đánh giá những năng lực hoàn toàn khác nhau của thí sinh thì rõ ràng không thể dùng để đánh giá khi xét tuyển vào một ngành.

Chúng ta có thể dùng xét tuyển cho nhiều ngành khác nhau, với những yêu cầu khác nhau, nhưng nếu xét tuyển thí sinh vào một ngành thì phải đặt ra yêu cầu giống nhau hoặc chỉ khác nhau một phần nhỏ.

Tuy nhiên, trong Quy chế đã nhấn mạnh, về cơ bản các phương thức xét tuyển phải đánh giá được năng lực cốt lõi của thí sinh khi vào ngành đó, nếu không thì việc sử dụng là không có căn cứ. Đây cũng là nguyên tắc cao nhất trong tuyển sinh. Như vậy, các phương thức dùng để xét tuyển thí sinh vào một ngành dù khác nhau về cách đánh giá nhưng phải cùng đánh giá được năng lực cốt lõi. Do đó, điểm chuẩn trúng tuyển phải quy đổi được.

Về vấn đề quy đổi như thế nào để đảm bảo khoa học, thực ra có rất nhiều phương pháp mà các nhà toán học, nhà khoa học đã quen thuộc. Chúng ta sử dụng một tập dữ liệu lớn gồm kết quả thi của hàng trăm nghìn thí sinh, từ kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả học bạ, cho đến kỳ thi đánh giá năng lực của các Đại học Quốc gia, hay kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ví dụ, khi cần quy đổi giữa kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội với điểm thi tốt nghiệp THPT, chúng ta sẽ lấy số lượng các em vào tốp 1% của từng kỳ thi, sau đó có thể lấy đến mốc 5% hay 10%, 20%,... Đây là phương pháp phân vị, xác định vị trí của các em theo phân vị. Khi xác định được điểm để đạt tốp 1% của kỳ thi đánh giá năng lực và của kỳ thi tốt nghiệp THPT theo một khối nào đó, chúng ta sẽ đưa ra được mức tương đương của hai loại điểm này.

p2129831.jpg
Thí sinh tham dự Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025

Cách thứ hai là hồi quy tuyến tính. Ví dụ, trong khoảng điểm trúng tuyển từ 20 đến 30 điểm theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, chúng ta lấy mức điểm từ 20 đến 21 làm mốc. Những em đạt mức điểm này có điểm thi đánh giá năng lực trong một khoảng nào đó. Ta áp dụng phương pháp xấp xỉ tuyến tính để tính toán và tìm ra công thức quy đổi, khoảng chia càng nhỏ thì độ chính xác càng cao.

Bên cạnh đó, còn nhiều phương pháp khác có thể áp dụng. Về mặt khoa học, những phương pháp này khá đơn giản, các trường đều có thể thực hiện được.

Nếu thấy một phương thức không đủ tin cậy, các trường không nên dùng

- Nếu có sự chênh lệch trong việc quy đổi điểm với thực lực của thí sinh, Bộ GD-ĐT có kế hoạch gì để đánh giá lại chất lượng đầu vào, đảm bảo sự công bằng, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Chúng ta chỉ có hai lựa chọn. Thứ nhất là giữ cách xét tuyển theo chỉ tiêu của từng phương thức như hiện nay. Tuy nhiên, phương án này đã bộc lộ rất nhiều bất cập và chúng ta phải sửa. Khi đó, lựa chọn còn lại là thực hiện quy đổi tương đương điểm giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển.

Việc quy đổi này có phù hợp với thực lực của thí sinh hay không thì trước hết phải quay trở lại câu hỏi rằng các phương thức đánh giá, phương thức thi đó có đánh giá đúng năng lực thực sự của thí sinh không? Nếu có thì việc quy đổi mới có ý nghĩa. Và vì các phương thức đều đánh giá đúng năng lực thí sinh, việc quy đổi là khả thi.

Bộ GD-ĐT không yêu cầu các trường phải bỏ hoàn toàn phương thức xét tuyển học bạ, nhưng rõ ràng điểm học bạ không thể đảm bảo độ tin cậy, đánh giá thực lực của thí sinh tốt như điểm thi tốt nghiệp THPT hay một số phương thức thi khác. Bởi chúng ta có rất nhiều trường phổ thông khác nhau, ở mỗi trường thì các lớp khác nhau cũng có thể có sự chênh lệch. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp đó cũng có thể có công thức quy đổi.

Nếu một kỳ thi nào đó, hoặc một loại điểm số không đảm bảo độ tin cậy cao thì các trường có thể đưa ra một khoảng điều chỉnh. Ví dụ, điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ, Bộ GD-ĐT thống kê giữa các nơi có chênh lệch nào đó giữa kết quả thi của các em. Giả sử trung bình chênh lệch là 1-2 điểm, thì các trường có thể cộng/trừ thêm để giải quyết bài toán tin cậy.

Các trường cần hiểu rằng, nếu cảm thấy một phương thức không đủ tin cậy thì không nên dùng. Nhưng nếu đã lựa chọn sử dụng thì phải tin cậy và phải có khả năng quy đổi tương đương với các phương thức khác. Nếu không thể quy đổi tương đương thì chỉ nên dùng một phương thức duy nhất.

Vấn đề tiếp theo là nếu các trường quy đổi khác nhau thì thế nào? Trên thực tế, việc có sự khác nhau giữa các trường là điều tất yếu, do đặc thù của từng trường, từng ngành. Chính các trường cũng xác nhận rằng yêu cầu tuyển sinh giữa các ngành là không giống nhau. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành một khung quy đổi chung, không phân biệt ngành học (có thể theo từng khối thi) để đưa ra hướng dẫn, công thức chung cho những phương thức xét tuyển phổ biến. Khi đó, các trường sẽ dựa vào khung này để điều chỉnh.

Chúng tôi tin rằng, khi Bộ đã có hướng dẫn và các trường thực hiện điều chỉnh, thì sự khác biệt giữa các trường sẽ không quá lớn và phải có cơ sở khoa học rõ ràng. Nếu để từng trường tự quy đổi mà không có khung chung, thì sự chênh lệch có thể xảy ra. Tuy vậy, chúng tôi tin rằng đa số các trường sẽ không đưa ra sự thay đổi lớn nếu không có căn cứ xác đáng.

nth-4563.jpg
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT

- Khung điểm quy đổi này sẽ được Bộ GD-ĐT tính toán dựa trên các yếu tố nào để đảm bảo độ tin cậy, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Nói đến độ tin cậy của dữ liệu, trước hết phải nói đến độ tin cậy của các kỳ thi. Hiện nay, chúng ta không có nguồn dữ liệu nào khác ngoài dữ liệu từ các kỳ thi, bởi vì học sinh phổ thông đều phải thông qua các kỳ thi này.

Như đã đề cập, các trường muốn dùng một phương thức xét tuyển nào đó thì phải đặt ra câu hỏi: kỳ thi này hay kết quả học tập này có bảo đảm độ tin cậy hay không? Nếu trường thấy kết quả này không tin cậy thì trường có quyền không sử dụng. Tuy nhiên, nếu đã quyết định sử dụng một phương thức hay kết quả nào đó, thì bản thân nhà trường phải khẳng định được rằng nó có độ tin cậy nhất định.

Vấn đề thứ hai là yếu tố toán học và thống kê. Trong xác suất thống kê, không thể có độ tin cậy tuyệt đối. Độ tin cậy của dữ liệu không chỉ phụ thuộc vào điểm số, mà còn phụ thuộc vào quá trình tổ chức kỳ thi, cách ra đề, hình thức thi... Việc thống kê và phân tích tương quan trên tập dữ liệu càng lớn thì các công thức tính toán càng trở nên phù hợp và chính xác hơn.

Tất nhiên, Bộ GD-ĐT sẽ sử dụng dữ liệu từ các năm trước để đưa ra nhận định và đánh giá. Như thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy các trường cũng đã thực hiện phân tích và mặc dù phương pháp khác nhau, nhưng kết quả thu được khá tương đồng.

Quan trọng hơn, Bộ GD-ĐT sẽ cập nhật thêm dữ liệu từ kỳ thi năm nay để bổ sung vào hệ thống dữ liệu chung. Còn đối với các trường, nhiệm vụ là phải căn cứ vào kết quả học tập của học sinh, đặc biệt là khi Bộ đã ban hành khung quy đổi chung, thì việc điều chỉnh, áp dụng sẽ dựa trên cơ sở đó.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng đã chia sẻ!

Giáo dục

TP. Hồ Chí Minh: Khẩn trương điều tra vụ 29 học sinh nghi ngờ ngộ độc sau bữa trưa tại trường
Sức khỏe

TP. Hồ Chí Minh: Khẩn trương điều tra vụ 29 học sinh nghi ngờ ngộ độc sau bữa trưa tại trường

Sau khi nhận được báo cáo ban đầu từ Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh về vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận 7, TP. Hồ Chí Minh) diễn ra ngày 9.4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn yêu cầu khẩn trương điều tra, truy xuất nguồn gốc vụ việc.

Công nghệ bán dẫn là "xương sống" của nền kinh tế số: Sinh viên sẽ được đào tạo như thế nào?
Giáo dục

Công nghệ bán dẫn là "xương sống" của nền kinh tế số: Sinh viên sẽ được đào tạo như thế nào?

Công nghệ bán dẫn là "xương sống" của nền kinh tế số, đóng vai trò cốt lõi trong sản xuất vi mạch, chip điện tử, cảm biến và các thiết bị công nghệ cao. Năm 2025, Đại học Quốc gia Hà Nội đã giao Trường Đại học Khoa học Tự nhiên mở chương trình đào tạo cử nhân công nghệ bán dẫn, tuyển sinh khóa đầu tiên năm 2025 với 140 chỉ tiêu. Vậy chương trình này đào tạo như thế nào?, sinh viên sẽ học ra sao?

Đại học Quốc gia Hà Nội làm gì để triển khai tốt công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo?
Giáo dục

Đại học Quốc gia Hà Nội làm gì để triển khai tốt công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo?

Đại học Quốc gia Hà Nội đang đa dạng hoá các nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất và tăng cường năng lực cho Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo, hướng đến hình thành các sản phẩm khoa học công nghệ có tính ứng dụng thực tiễn cao, có tiềm năng chuyển giao.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị
Giáo dục

Trường Đại học Điện lực tổ chức hội nghị triển khai chương trình đào tạo trình độ đại học

Sáng 10.4, Trường Đại học Điện lực đã tổ chức Hội nghị triển khai chương trình đào tạo trình độ đại học năm 2025 dưới sự chủ trì của PGS.TS Đinh Văn Châu, Hiệu trưởng Nhà trường. Tham dự hội nghị có Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, PGS.TS Vũ Đình Ngọ; Phó Hiệu trưởng PGS.TS Nguyễn Lê Cường, TS. Dương Trung Kiên.

Thêm một vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại Trường Đại học Đồng Tháp
Sức khỏe

Thêm một vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại Trường Đại học Đồng Tháp

Sau khi nhận báo cáo sơ bộ ngày 8.4.2025 của Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp về vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường Đại học Đồng Tháp ngày 6.4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị địa phương khẩn trương triển khai các nội dung để điều tra, xử lý vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Trường Cao đẳng Long Biên đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, đáp ứng kỷ nguyên số
Giáo dục

Trường Cao đẳng Long Biên đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, đáp ứng kỷ nguyên số

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Long Biên Nguyễn Việt Hà cho biết với tầm nhìn chiến lược trong thời đại 4.0, nhà trường sẽ nỗ lực để tiếp tục định vị phát triển mở rộng theo hướng nghề nghiệp - ứng dụng với đa ngành, đa ngôn ngữ, đa trình độ đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của xã hội.