Đó là những giải pháp HĐND tỉnh Cà Mau đề nghị UBND tỉnh triển khai ngay để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.
Lấn chiếm, sử dụng đất không đúng diễn ra nhiều nơi
Trên cơ sở Báo cáo số 53/BC-ĐGS ngày 22.6.2012 của Đoàn giám sát HĐND tỉnh Cà Mau về kết quả giám sát công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Cà Mau Khóa X đã thảo luận, tán thành nội dung Báo cáo của Đoàn giám sát. Theo đó, HĐND tỉnh ghi nhận sự tập trung chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả của UBND tỉnh đối với công tác này. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cơ bản đáp ứng nhu cầu đất đai cho xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư, thương mại, dịch vụ, hướng đến sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị quyết HĐND tỉnh Cà Mau đã thẳng thắn chỉ ra: công tác lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 - 2020 thực hiện chậm trễ, tốn nhiều thời gian, chưa giải quyết được những bất cập, khó khăn lớn kéo dài của địa phương. Nguồn lực cho công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều hạn chế. Việc rà soát thực trạng sử dụng đất, dự báo nhu cầu sử dụng đất, phân bổ một số chỉ tiêu chưa phù hợp; thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất đạt thấp. Việc lấy ý kiến đóng góp và công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất một số trường hợp chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.
Công tác quản lý, sử dụng đất đai nhiều vấn đề đặt ra được xem xét giải quyết chậm, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn trong thời gian tới. Tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích, không đúng quy hoạch, xây nhà trên đất nông nghiệp, người dân tự phát mở hẻm, phân lô bán nền diễn ra nhiều nơi. Công tác quản lý đất rừng ở một số địa phương chưa chặt chẽ. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm một số trường hợp chưa nghiêm. Nguồn nhân lực, kinh phí thực hiện và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện chưa đáp ứng yêu cầu. Một số dự án đầu tư có sử dụng đất chậm triển khai thực hiện, gây lãng phí và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhưng chậm xử lý.
Khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế
Cùng với chỉ đạo khắc phục những hạn chế nêu trong Báo cáo của Đoàn giám sát HĐND tỉnh, HĐND tỉnh Cà Mau đề nghị UBND tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó có những giải pháp cần triển khai ngay.
Đó là, triển khai ngay chỉ đạo nâng cao chất lượng xây dựng quy hoạch; tăng cường tính chủ động, phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lập, điều chỉnh và quản lý thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Xác định nhu cầu sử dụng đất cho các công trình, dự án ở các cấp, các ngành, địa phương sát thực tế, hạn chế điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí cho công tác lập quy hoạch, tổ chức hợp lý việc lập các quy hoạch liên quan đến sử dụng đất để tạo sự đồng bộ, hiệu quả cao. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, nhất là dự án đầu tư nhà ở xã hội; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện hệ thống quản lý dữ liệu và khai thác thông tin theo dạng số, tạo nguồn cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh triển khai ngay việc chỉ đạo thực hiện lấy ý kiến người dân khi lập quy hoạch sử dụng đất và công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần sâu và rộng hơn. Chỉ đạo thực hiện cắm mốc ngoài thực địa các khu quy hoạch theo đúng quy định, bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận thông tin trong quy hoạch, nhằm tạo thuận lợi cho Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư giám sát, kịp thời phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh các sai phạm trong công tác quản lý đất đai.
Cùng với đó, chấn chỉnh ngay sự chậm trễ trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chậm điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất theo đúng hiện trạng; việc lấn chiếm đất công; quản lý quỹ đất nông nghiệp, đất công ích; sử dụng đất sai mục đích; khoán công việc, dịch vụ để nuôi thủy sản kết hợp và sản xuất nông - lâm - ngư kết hợp làm thay đổi hiện trạng đất rừng phòng hộ. Rà soát hiện trạng, tình hình quản lý sử dụng đất của các ban quản lý rừng, tổ chức được giao đất để có cơ chế phù hợp theo chức năng, nhiệm vụ và quản lý sử dụng đất đạt hiệu quả cao.