Chưa có cơ chế, chính sách tương xứng
Trên cơ sở báo cáo kết quả quản lý nhà nước về quản lý bảo vệ rừng, ý kiến tham gia tại Hội nghị tiếp xúc và đối thoại giữa Thường trực HĐND tỉnh với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn năm 2024, kết luận của Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực; nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về bảo vệ và phát triển rừng được nâng lên. Công tác phòng, chống phá rừng, lấn rừng được tăng cường, kịp thời xử lý, hạn chế các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng từng bước đi vào nền nếp và phát huy được hiệu quả. Việc trồng rừng đã được chính quyền các cấp, chủ rừng, người dân quan tâm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng vẫn xảy ra ở một số địa phương, công tác bảo vệ rừng tại gốc chưa thật sự hiệu quả. Việc giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư để hỗ trợ sinh kế còn chậm. Xây dựng, hoàn thiện và trình phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững còn hạn chế, đến nay UBND tỉnh mới phê duyệt được 18/34 đơn vị chủ rừng. Việc phát triển cây dược liệu chưa tương xứng so với tiềm năng sẵn có; sản xuất còn manh mún, mang tính tự phát, quy mô hộ gia đình là chủ yếu; chưa có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao; sự liên kết giữa trồng, thu mua, chế biến trong sản xuất và tiêu thụ dược liệu còn hạn chế…
Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh nguyên nhân xuất phát từ việc kiểm lâm là ngành đặc thù nhưng chưa có cơ chế, chính sách tương xứng; lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng không được xếp vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và không được hưởng các phụ cấp khác như phụ cấp độc hại, nguy hiểm; phụ cấp đặc thù theo nghề, công việc... Hiện nay, biên chế, chỉ tiêu được giao cho lực lượng bảo vệ rừng của các đơn vị vẫn còn thiếu so với quy định; chính sách về phát triển lâm nghiệp, phát triển rừng, nâng cao đời sống người dân sống gần rừng, liền rừng vẫn còn những khó khăn, bất cập; việc xử lý đối với các trường hợp vi phạm quản lý bảo vệ rừng chưa nghiêm.
Phát huy giá trị khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng
Để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, ngành lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền trên các nền tảng số, hệ thống thông tin cơ sở và các phương tiện truyền thông mới. Tăng cường sự giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Các cấp chính quyền, các sở, ngành liên quan và các đơn vị chuyên trách quản lý bảo vệ rừng nâng cao trách nhiệm, quyết tâm thực hiện các giải pháp hiệu quả để giữ diện tích rừng hiện có, đẩy mạnh trồng rừng, nâng cao độ che phủ và diện tích rừng để xây dựng tỉnh Gia Lai thành một cao nguyên xanh, bền vững, trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên.
Đối với UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh đề nghị nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho lực lượng kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Tuyển dụng đủ số biên chế đã được giao cho lực lượng kiểm lâm, xem xét việc tinh giản biên chế đối với lực lượng kiểm lâm hợp lý, phù hợp với yêu cầu quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, phát huy giá trị khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng trên cơ sở bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc và người làm nghề rừng góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh giao khoán quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng đối với hộ gia đình và cộng đồng dân cư sống gần rừng; trồng dược liệu dưới tán rừng.