Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam đã duy trì mức sinh thay thế trong hơn 10 năm qua nhưng đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng. Hiện nay có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, thậm chí một số tỉnh mức sinh đã rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung. Với tâm lý xã hội hiện nay, nhiều người có xu hướng thích cuộc sống độc thân, kết hôn muộn, nuôi con đơn thân... có nguy cơ gây ra hệ lụy rất lớn, đẩy nhanh già hóa dân số, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội... Do đó, nếu không có những chính sách phù hợp thì nhiều khả năng vào giữa thế kỷ này, Việt Nam sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số rất nhanh.
Quyết định số 588 là bước chuyển đổi chính sách kịp thời nhằm làm chậm và làm giảm bớt tình trạng già hóa dân số, cải thiện chất lượng dân số, cân bằng dân số và phân bổ dân số hợp lý trên bình diện quốc gia. Không còn khuyến khích chung chung “mỗi gia đình sinh 1 - 2 con” hay “dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt” mà sẽ hướng đến cụ thể từng vùng, miền, từng khu vực, địa phương. Đối với địa phương có tỷ lệ sinh thấp như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh lại là các địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, xã hội. Đây là những môi trường bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho nguồn lao động chất lượng cao trong tương lai nên việc khuyến khích, tăng tỷ lệ sinh. Những địa phương có mức sinh cao, trung bình trên hai con thì sẽ vận động giảm tỷ lệ sinh để bảo đảm đồng đều trong cơ cấu dân số.
Bên cạnh đó, Quyết định số 588 cũng yêu cầu thí điểm việc giảm thuế thu nhập cá nhân; miễn giảm các khoản đóng góp công ích theo hộ gia đình cho các cặp vợ chồng sinh con; tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con được mua nhà ở xã hội, ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em… Rõ ràng, tập trung giải quyết bài toán kinh tế, trong đó có vấn đề việc làm, thu nhập cũng chính là ưu tiên cải thiện chất lượng dân số. Ngại kết hôn, ngại sinh con phần lớn vì không có điều kiện về việc làm, thu nhập, dẫn đến ít có điều kiện chăm lo cho con cái đầy đủ, chăm sóc cho hạnh phúc gia đình.
Thực tế, kinh nghiệm từ các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc... cho thấy, dù đã đầu tư rất nhiều cho việc khuyến khích sinh đẻ vẫn không thể làm tăng mức sinh. Việt Nam đã nhìn thấy trước những vấn đề đó và thực hiện các giải pháp can thiệp sớm, để tránh được vết xe đổ như nhiều nước, là để mức sinh xuống thấp, không thể đưa trở lại mức sinh thay thế. Việc khuyến khích người dân kết hôn, đẻ trước 30 tuổi và đẻ đủ 2 con, để số lượng trẻ sinh ra gia nhập lực lượng lao động ít nhất cũng mất 20 năm nữa. Vậy nên chính sách này buộc phải được đưa ra từ bây giờ, chậm hơn sẽ là muộn.
Tất nhiên, kết hôn và sinh con ở những ngưỡng tuổi nào là quyền của mọi công dân, Nhà nước chỉ nên đưa ra khuyến khích chứ không quy định bắt buộc. Dù vậy, thế hệ trẻ cần có sự định hướng, ngoài trách nhiệm với chính mình còn phải có trách nhiệm với chính thế hệ tương lai của mình. Việc khuyến khích này hoàn toàn có căn cứ khoa học, đem lại nhiều lợi ích về mặt sức khỏe cũng như tinh thần cho các cặp đôi; góp phần nâng cao chất lượng dân số, nguồn nhân lực tốt cho sự phát triển đất nước.