Tận tụy và tâm huyết
- Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội đã xem xét và biểu quyết thông qua các nội dung: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ông nhận định gì về ý nghĩa của những nội dung làm việc tại Kỳ họp này?
- Theo Điều 90, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường. Đây chắc chắn là “kỷ lục” và sẽ không dừng lại, bởi nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021 - 2026) mới đi được nửa thời gian mà đã có tới 5 kỳ họp bất thường. Theo tôi, đó là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ “Quốc hội đã và đang làm rất tốt chức năng của mình theo Hiến pháp với một tinh thần trách nhiệm cao chưa từng có, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân cả nước.
Có thể thấy, những nội dung được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ. Đó cũng là những nội dung có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, đồng thời cũng là minh chứng cho tinh thần tận tâm huyết, tận tụy, lập pháp vì dân...
Chính sách sáng suốt, quốc gia hưng thịnh
- Sau 3 ngày rưỡi làm việc khẩn trương, trách nhiệm và hiệu quả, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm và tiến hành họp phiên bế mạc. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có bài phát biểu quan trọng bế mạc Kỳ họp. Ông đánh giá thế nào về các nội dung trong phát biểu này?
- Theo tôi, bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khái quát được tất cả nội dung của Kỳ họp, đồng thời nêu bật được tinh thần “lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển”... Qua đó, khẳng định vai trò lập pháp vì nhân dân của mình...
Rõ ràng, những nội dung được quyết định tại Kỳ họp Quốc hội bất thường lần này đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật... Và là những quyết sách có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân...
Việc thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn cũng là để bắt kịp với sự phát triển chung của nền kinh tế - xã hội... Cụ thể, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 sẽ có các tác dụng tích cực đến đời sống xã hội ở những nội dung sau: tháo gỡ những vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, Người dân và nhà đầu tư. Với việc thông qua các nội dung tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tôi cho rằng, Kỳ họp này đã quyết định cho một “cuộc cách mạng” về xây dựng, thông qua pháp luật về đất đai.
Có thể thấy, các nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đi sát và giải quyết tận gốc nhiều vấn đề tồn tại hiện nay... Các nội dung chi tiết như: Tính giá đất trên cơ sở giá thị trường; mở rộng hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; đánh thuế đối với những tổ chức và cá nhân sử dụng nhiều đất, diện tích đất lớn; thu hồi và bồi thường đất đối với các dự án ... đều được dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đưa ra.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Kỳ họp thông qua chắc chắn sẽ là “đòn bẩy” phát triển kinh tế - xã hội trong hàng chục năm tới và bình ổn được các mâu thuẫn, bức xúc trong xã hội hiện nay liên quan đến quan hệ pháp luật về đất đai...
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng được thông qua tại Kỳ họp này. Đó chính là cơ sở vững chắc để chúng ta giải quyết vấn đề: Sở hữu chéo, thao túng ngân hàng, can thiệp sớm vĩ mô, kiểm soát đặc biệt, xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo... Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc ổn định kinh tế, minh bạch và tuân thủ pháp luật trong hoạt động tài chính - tiền tệ theo tiêu chuẩn của nền kinh tế thị trường mà Việt Nam đã và đang được thế giới công nhận. Nó cũng góp phần bảo đảm cho chúng ta vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu...
Kỳ họp này, một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia được đưa vào chương trình nghị sự và cũng đã được Quốc hội thông qua… Đây có thể coi là phản ứng linh hoạt, kịp thời về mặt chính sách, đi đúng và giải quyết vấn đề nóng hiện nay...
Tiếp nối trang sử vàng
- Nội dung của Kỳ họp đều là những vấn đề lớn, quan trọng và có tính quyết định trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo quốc gia… Vậy qua những nội dung của Kỳ họp, ông kỳ vọng gì về những đổi thay trong thời gian tới của Việt Nam?
- Có thể khẳng định, đây là Kỳ họp mang tính chất “bản lề” trong hoạch định chính sách pháp luật không chỉ Quốc hội khóa XV mà còn là “nền móng” trong nhiệm kỳ Quốc hội tiếp theo.
Kỳ họp này, Quốc hội đã có các quyết sách đúng đắn, linh hoạt về các vấn đề, đất đai, tài chính - tiền tệ, ngân hàng… Điều này góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng... đồng thời, những quyết sách đó cũng tiếp thêm sức sống, động lực phát triển mới cho xã hội...
Thêm vào đó, việc bổ sung, sửa đổi các luật không những giải quyết được những vấn đề, mâu thuẫn, bất hợp lý của các quy định cũ mà còn góp phần tiên phong, định hướng, hoạch định cho sự phát triển của xã hội trong thời kỳ công nghệ, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng hiện nay...
Chất lượng tốt của các dự thảo luật được thông qua sẽ làm giảm bớt nhiều các mâu thuẫn, bức xúc xã hội góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội và là minh chứng cho tinh thần tận tụy, lập pháp vì dân, là “dấu ấn” tiếp nối những trang sử vàng của Quốc hội.
- Xin cảm ơn ông!