Bảo đảm tính phản ứng nhanh và vai trò của UBTVQH
Đánh giá cao Hội đồng Dân tộc đã tích cực nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND một cách nghiêm túc, công phu, các Ủy viên UBTVQH cho rằng, dự án Luật đã bảo đảm các tài liệu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám tới.
Quan tâm đến một số vấn đề mới đề nghị UBTVQH cân nhắc và báo cáo Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, trong lần sửa đổi, bổ sung một số điều này có quy định về giải trình của UBTVQH hay không? Hiện nay chưa có hình thức giải trình của UBTVQH, trong khi hoạt động này rất có hiệu quả, theo đó có thể đề nghị Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, các đối tượng giám sát giải trình rõ; sau đó ban hành Nghị quyết hoặc kết luận để khép lại một vấn đề mà nếu dư luận xã hội phản ánh không đúng hoặc góp phần giải quyết ngay các bức xúc đặt ra trong thực tiễn. Hiện nay, do chưa có hình thức giải trình của UBTVQH, nên UBTVQH thường tiến hành các hoạt động giám sát, rất mất thời gian mà không giải quyết được nhanh các vấn đề thực tiễn đặt ra.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Giám sát phải trúng, đúng và hậu giám sát là quan trọng nhất
Cho ý kiến với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân tại phiên họp thứ 38 của UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, tăng cường giám sát đúng chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, HĐND các cấp là việc chúng ta phải điều chỉnh trong thời gian tới thông qua việc sửa đổi Luật lần này.
Cùng với đó, giám sát làm sao phải trúng, đúng trọng tâm, trọng điểm những vấn đề Đảng, cử tri và nhân dân đặt ra cho Quốc hội. Giám sát phải làm cho đối tượng được giám sát tâm phục, khẩu phục, và khi thấy Đoàn giám sát đến là mừng, là vui, vì chính Đoàn giám sát chỉ ra những điểm mạnh, điểm hạn chế và giải pháp để thực hiện, khắc phục trong thời gian tới.
Trong câu chuyện giám sát, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, hậu giám sát là quan trọng nhất. Khi Đoàn giám sát rút ra những kiến nghị, đề xuất và xác định rõ ai làm, thực hiện như thế nào, bao giờ xong là phải có địa chỉ, thời gian nhất định thì mới bảo đảm chất lượng, hiệu quả của giám sát. Giám sát của Quốc hội và HĐND không chồng chéo với các hoạt động giám sát, thanh tra của các cơ quan khác. Hoạt động giám sát của Quốc hội vừa phải bám sát, đáp ứng nhu cầu của xã hội, tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của nhân dân, của cử tri, đồng thời phải gắn với công tác lập pháp.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, phải bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật. Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung, làm rõ và hoàn chỉnh hơn các khái niệm về giám sát tối cao, giám sát chuyên đề, giám sát của Quốc hội, giám sát của HĐND được giải thích tại Điều 2 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Việc bổ sung, chỉnh lý khái niệm dựa vào Luật theo hướng xác định rõ nội hàm, ý nghĩa của các khái niệm được giải thích, trong đó khái niệm phải giải thích rõ ràng, thống nhất về cách hiểu. Nói cách khác, bảo đảm sau khi Luật này được thông qua, cử tri và nhân dân cũng như đối tượng điều chỉnh đều thấy, những sửa đổi, bổ sung đều hết sức ngắn gọn, tập trung, trọng tâm, trọng điểm, rõ nghĩa, dễ hiểu, dễ làm, dễ thực hiện và dễ giám sát.
Hiện nay, chúng ta mới có giải trình của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, nhưng cũng có những vấn đề giải trình thuộc thẩm quyền liên cơ quan của Quốc hội thì chưa được quy định trong Luật. Từ thực tế này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu vấn đề: liên quan đến vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã phối hợp tổ chức phiên giải trình về việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em, nhưng sau đó chỉ có Ủy ban Tư pháp ban hành Kết luận về nội dung này. Vậy trong lần sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân này có thiết kế hình thức giải trình liên Ủy ban và làm rõ giữa kết luận của liên Ủy ban khác với kết luận của Ủy ban hay không?
Tương tự như vậy, HĐND tỉnh và HĐND huyện tiến hành giám sát chung trên địa bàn một huyện thì có được không? Hay, Quốc hội và HĐND tỉnh cùng giám sát một vấn đề liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật tại địa bàn một tỉnh có được không?
Gợi mở vấn đề nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phân tích: thực tế, đối với các Đoàn giám sát của UBTVQH, Đoàn giám sát của Quốc hội, HĐND đều cử đại diện đến lắng nghe, nhưng chưa thực sự phát huy được vai trò. Trong khi đó, hình thức tiếp xúc cử tri kết hợp giữa đại biểu Quốc hội với đại biểu HĐND đang cho thấy phát huy hiệu quả tốt. Theo đó, những vấn đề cử tri phản ánh liên quan đến tình hình địa phương, đại biểu HĐND đều trả lời và giải quyết được ngay, từ đó đại biểu Quốc hội cũng kịp thời nắm bắt được tình hình tại địa phương, cơ sở. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu có nên có hình thức giám sát chung của cơ quan dân cử các cấp hay không?
Dẫn lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, “Đất nước bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc...”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, trong bối cảnh đó, chúng ta đã có những tư tưởng rất mới, như cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, "ai làm người đấy chịu trách nhiệm", không ôm đồm, không làm thay. Vậy giám sát thể chế hóa những tư tưởng mới này là gì? Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đó là giám sát từ cơ sở, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở tốt thì sẽ không đùn đẩy lên trên, pháp luật cũng thi hành tốt từ cơ sở thì không đùn đẩy lên trên.
Trước đây, chúng ta thường tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực sau 5 năm thực hiện. Đến nhiệm kỳ khóa khóa XV này, chúng ta tiến hành giám sát ngay trong quá trình triển khai thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia. Từ hiệu quả của cách thức giám sát này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gợi mở: phải chăng đổi mới thứ hai, đó là giám sát ngay trong quá trình thực hiện và ngay từ ban đầu. Giống như kiểm toán, trước đây chúng ta làm xong mới kiểm toán, nhưng bây giờ thực hiện kiểm toán ngay từ khâu đầu. Theo đó, cùng với giám sát theo chương trình thường kỳ, cần có những giám sát đột xuất. Và một trong những nguyên tắc giám sát cần đề cao, là "không giám sát trùng, giám sát nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng giám sát, giám sát để tạo cho hoạt động bình thường tốt hơn, chứ không phải giám sát là ngồi ở nhà, không điều hành gì, chỉ đợi đoàn giám sát đến để giải trình, hết HĐND cấp này đến HĐND cấp khác, hết thanh tra, kiểm toán đến giám sát của UBTVQH, các Ủy ban của Quốc hội giám sát thì anh em quản lý nhà nước rất sợ". Lưu ý điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị: "Chúng ta giám sát nhưng không ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động bình thường của các cơ quan và tiếp tục kế thừa sản phẩm của nhau; thanh tra, kiểm toán, HĐND giám sát đã có kết quả thì UBTVQH sử dụng kết quả đó, không làm đi làm lại".
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, việc nghiên cứu bổ sung thẩm quyền về hoạt động giải trình của UBTVQH là "rất cần thiết", "phù hợp với thực tiễn và yêu cầu trong giai đoạn mới hiện nay, nhất là giai đoạn mới về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, vừa bảo đảm tính phản ứng nhanh và vai trò của UBTVQH. Với tư duy đổi mới trong công tác pháp luật, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trong thời gian tới chúng ta cũng đề xuất với cấp có thẩm quyền theo hướng tăng thẩm quyền của UBTVQH cũng như thẩm quyền hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội, đổi mới hoạt động của các Ủy ban để bảo đảm tính thực tiễn và phản ứng nhanh với thực tiễn trong hoạt động giám sát.
Có giao Ban Dân nguyện tham mưu, giúp UBTVQH giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân?
Đề xuất bổ sung thẩm quyền giám sát công tác tiếp công dân của UBTVQH, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, về cơ sở chính trị, chúng ta đã có Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó, yêu cầu tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND, đại biểu HĐND trong việc thực hiện chức năng giám sát và yêu cầu đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND, đại biểu HĐND, MTTQ và các tổ chức chính trị đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Về cơ sở thực tiễn, Ban Dân nguyện có trách nhiệm giúp UBTVQH tổ chức tiếp công dân của các cơ quan Quốc hội, đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật về tiếp công dân.
Tuy nhiên, Trưởng ban Dân nguyện cũng cho biết, hiện nay nội dung giám sát công tác tiếp công dân chưa được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động giám sát. Điều này dẫn đến khó khăn cho Ban Dân nguyện trong việc giúp UBTVQH triển khai tổng hợp kết quả tiếp công dân cũng như xem xét, đánh giá trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác tiếp công dân. Trong khi đó, đây được xác định là công việc rất quan trọng.
Vì vậy, Trưởng ban Dân nguyện đề nghị nên quy định trong dự thảo Luật về thẩm quyền giám sát tiếp công dân của UBTVQH, nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn tổ chức hoạt động này, bảo đảm xem xét tổng thể cả quá trình xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, xuất phát từ khâu đầu tiên là tiếp công dân thông qua việc gắn chặt hoạt động này với xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Liên quan đến hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri quy định tại Điều 30 và Điều 31, dự thảo Luật, hiện cơ quan soạn thảo xây dựng 2 phương án. Phương án 1 là “Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH có trách nhiệm tham mưu, giúp UBTVQH tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân”. Phương án 2: “UBTVQH quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp UBTVQH tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân”.
Trưởng ban Dân nguyện đề nghị chọn phương án 1 như dự thảo Luật, đồng thời xây dựng đây là phương án trình Quốc hội. Cụ thể, Ban Dân nguyện sẽ giúp UBTVQH tổ chức việc tiến hành hoạt động giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri như hiện nay.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, nếu quy định Ban Dân nguyện tham mưu giúp UBTVQH giải quyết khiếu nại, tố cáo thì cần cân nhắc. Bởi, để giải quyết khiếu nại, tố cáo thì không nhất thiết UBTVQH giao cho Ban Dân nguyện tham mưu mà có lúc giao cho Ủy ban Tư pháp, có những lúc giao cho các Ủy ban khác. Cho nên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị chưa luật hóa vấn đề này. Chọn phương án 2, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, nên giao UBTVQH quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu giúp UBTVQH trong việc tổ chức tiến hành các hoạt động giám sát ở lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám tới. Do đó, những vấn đề còn ý kiến khác nhau hoặc đề xuất mới sẽ trình Quốc hội xem xét, thảo luận, cho ý kiến.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục lắng nghe, đưa ra lý lẽ thuyết phục trên cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn vững chắc, để cùng hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật cũng như nội dung báo cáo thẩm tra bảo đảm chất lượng.