ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam):
Thông điệp mạnh mẽ về sự đồng lòng, trách nhiệm cao của Quốc hội đối với lợi ích chung của đất nước
Kỳ họp bất thường lần thứ Chín của Quốc hội khóa XV diễn ra ngay trong những ngày đầu năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trong việc đáp ứng yêu cầu cấp bách của đất nước. Việc Quốc hội thông qua một số luật quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước với tỷ lệ tán thành tuyệt đối, với 100% số ĐBQH có mặt biểu quyết tán thành, phản ánh nhiều khía cạnh quan trọng.

ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam)
Thứ nhất, thể hiện sự thống nhất, đồng thuận rất cao trong Quốc hội cả về nhận thức và quyết tâm của các đại biểu đối với cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn và hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trong bối cảnh tình hình mới hiện nay.
Thứ hai, thể hiện tầm quan trọng và tính cấp thiết của các nội dung được Quốc hội thông qua. Việc tổ chức kỳ họp bất thường ngay đầu năm, sau thành công rất tốt đẹp của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (ngày 23-24.1.2025) để khẩn trương thảo luận kỹ lưỡng và thông qua các luật, nghị quyết quan trọng về tổ chức bộ máy, kinh tế-xã hội và một số dự án, công trình quan trọng quốc gia cho thấy tính cấp bách của các vấn đề này trong bối cảnh thực tiễn, góp phần tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho công tác điều hành, quản lý đất nước trong giai đoạn tới.
Thứ ba, có được sự đồng thuận rất cao như thế cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ, khoa học của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm cùng sự phối hợp kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và cơ quan, tổ chức hữu quan. Nhiều luật, nghị quyết được thông qua với tỷ lệ tuyệt đối cũng phản ánh quá trình chuẩn bị công phu, lấy ý kiến rộng rãi và đạt được sự đồng thuận cao từ các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và Nhân dân.
Cuối cùng, đó là niềm tin và kỳ vọng của Nhân dân. Khi Quốc hội thể hiện sự nhất trí cao trong các quyết sách lớn cũng gửi đi thông điệp mạnh mẽ về sự đồng lòng, trách nhiệm và cam kết của cơ quan lập pháp đối với lợi ích chung của đất nước, qua đó củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, công tác chỉ đạo, điều hành của Nhà nước.
Có thể thấy, kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ Chín không chỉ có ý nghĩa về mặt nội dung, mà còn thể hiện tinh thần hành động kịp thời, quyết liệt của Quốc hội trước những yêu cầu thực tiễn, góp phần hoàn thiện thể chế và thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.
ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai):
Đánh dấu bước chuyển mình trong công tác lập pháp, điều hành kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy Nhà nước
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội đã quyết đáp nhiều nội dung quan trọng, không chỉ mang tính chất là kỳ họp bất thường để giải quyết các vấn đề theo quy định của Hiến pháp. Các quyết đáp của Quốc hội tại kỳ họp này sẽ tạo tiền đề, đánh dấu giai đoạn phát triển mới, bước chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc, đặc biệt là với công tác xây dựng pháp luật, điều hành kinh tế-xã hội và tổ chức bộ máy Nhà nước.

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai)
Một điểm nhấn của Kỳ họp này là sự đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật. Các dự thảo luật trình ra Quốc hội xem xét thông qua đều có số lượng điều khoản giảm hơn rất nhiều so với hiện nay. Điều này cho thấy chúng ta đang thay đổi rất mạnh mẽ về phương pháp làm luật và ngày càng tiếp cận đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, của Tổng Bí thư và quán triệt của Chủ tịch Quốc hội, đó là luật mang tính định hướng chung, kiến tạo và không quy định quá chi tiết cụ thể những nội dung không thuộc chức năng, thẩm quyền của Quốc hội. Với cách thức mới này, các luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này giảm mạnh về số lượng các điều khoản, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng cũng như tính chất kiến tạo, nền tảng, gợi mở, đặt ra "đường ray" chung cho cả hệ thống.
Đáng chú ý, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng, vì đây là "luật làm ra văn bản quy phạm pháp luật". Muốn khơi thông được điểm nghẽn của thể chế, thì phải sửa ở cái gốc làm ra thể chế. Với nội dung sửa đổi, bổ sung lần này, có thể thấy, chúng ta đã tạo ra cuộc cách mạng trong quy trình xây dựng pháp luật; trình tự xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết sẽ theo quy trình tại một kỳ họp và kỳ họp tiếp theo, bảo đảm chặt chẽ. Việc đổi mới theo hướng này nhằm bảo đảm chất lượng soạn thảo các dự án luật, dự thảo nghị quyết... trình Quốc hội, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động lập pháp, đẩy nhanh tiến độ ban hành luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Một sự thay đổi rõ nét là các luật này đều giảm về số lượng các điều khoản so với hiện hành, nhưng tính phân cấp, phân quyền, đặc biệt là quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, rất rành mạch.
Tôi tin tưởng, với việc quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, Bộ trưởng, cơ quan ngang bộ sẽ giúp các cơ quan, cá nhân thực hiện “đúng vai, thuộc bài”, khơi thông "điểm nghẽn" trong khâu điều hành hiện nay.
Lâu nay, chúng ta đang bị vướng do không rõ trách nhiệm, một việc có thể do nhiều cơ quan cùng cho ý kiến, vô hình chung "dẫm chân" nhau. Và, các luật vừa được Quốc hội thông qua chắc chắn sẽ tháo gỡ được những "điểm nghẽn" này, ngăn chặn tình trạng “đùn đẩy” trách nhiệm, bảo đảm nguyên tắc việc của cơ quan nào sẽ do cơ quan đó quyết định, qua đó bảo đảm quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.
Cùng với Nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, các luật về tổ chức bộ máy đã tạo ra những điều kiện cần về căn cứ pháp lý để cả hệ thống tiến hành công đoạn chuyển mình trong tổ chức bộ máy, điều hành kinh tế - xã hội.
Và để triển khai các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua đòi hỏi các cơ quan chuyên môn cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong tổ chức thực hiện, nhất là hoàn thành một số vấn đề, nhiệm vụ cần tập trung thực hiện ngay được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trong bài phát biểu bế mạc Kỳ họp.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương):
Phát huy hơn nữa vai trò các cơ quan của Quốc hội
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy, chúng ta đang đầu tư rất mạnh vào hạ tầng và muốn phát triển kinh tế - xã hội thì phải có hạ tầng đồng bộ, khi hạ tầng đồng bộ thì chi phí logistics cũng sẽ giảm đi, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương)
Mặt khác, khi hạ tầng được kết nối thuận lợi cũng thu hút được các doanh nghiệp FDI. Do đó, việc Quốc hội thông qua các chủ trương này sẽ giúp ngành đường sắt phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới mà nhiều năm trước lĩnh vực này chưa được quan tâm xứng tầm.
Quốc hội cũng đã bấm nút thông qua Nghị quyết về bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Để đạt được mức tăng trưởng này và hướng tới tăng trưởng hai con số trong những năm tới, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã có những chỉ đạo rất quyết liệt.
Đối với Quốc hội, tôi cho rằng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó quan trọng nhất vẫn là tháo gỡ nút thắt về thể chế. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 4 luật về tổ chức bộ máy với tỷ lệ ĐBQH tán thành rất cao, đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội đạt tỷ lệ 100% ĐBQH có mặt tán thành. Việc sửa đổi các luật phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả" cũng cho thấy, chúng ta muốn tăng năng suất lao động và đây là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Với thời gian còn lại của năm 2025 chỉ khoảng hơn 10 tháng, mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên là thách thức rất lớn cho cả hệ thống chính trị. Không những Chính phủ - cơ quan thực thi chính sách, pháp luật phải nỗ lực phấn đấu hiện thực hóa mục tiêu này mà còn phải phát huy vai trò của các cơ quan của Quốc hội.
Hiện nay, việc sắp xếp các cơ quan của Quốc hội đã được triển khai ngay sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội được thông qua và có hiệu lực thi hành. Các Ủy ban đã vào cuộc đúng với tinh thần không có “khoảng trống” nào có thể làm chậm trễ các yêu cầu mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đặt ra.
Ngoài ra, chúng ta cũng đang thực hiện các chính sách thí điểm theo hướng tập trung vào "hậu kiểm" thay vì "tiền kiểm", tức là tháo gỡ vướng mắc nhưng vẫn có sự kiểm soát. Điều này đặt ra yêu cầu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải đẩy mạnh hơn nữa vai trò, chức năng giám sát.
Để đạt được con số tăng trưởng 8% trở lên, thì tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương phải thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ, “thống nhất trong chủ trương, kỷ cương trong hành động”.