Chuyên sâu và toàn diện hơn
Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 được Quốc hội Khóa XII thông qua ngày 21.11.2007 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2008 điều chỉnh cả 4 lĩnh vực về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Những lĩnh vực này mang tính chuyên ngành cao, có sự khác nhau lớn về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, mục đích, tính chất và nguyên tắc hợp tác… Do vậy, qua hơn 16 năm thi hành Luật Tương trợ tư pháp, việc thực hiện đã phát sinh nhiều bất cập, hạn chế.

Theo Tờ trình Dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, tại thời điểm hiện nay, tình hình tội phạm có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia ngày càng gia tăng, tạo nên xu hướng rõ nét và thường xuyên đòi hỏi hợp tác quốc tế tư pháp hình sự. Chỉ riêng lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự, nếu trong năm 2008 Việt Nam chỉ gửi 1 yêu cầu cho nước ngoài, thì năm 2022 đã gửi 369 yêu cầu đề nghị nước ngoài hỗ trợ thực hiện.
Đến thời điểm hiện nay, việc đàm phán và ký kết các điều ước quốc tế trong 4 lĩnh vực nói trên đã được tách thành các điều ước quốc tế độc lập: Bộ Tư pháp chủ trì đàm phán các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì đàm phán các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, Bộ Công an chủ trì đàm phán các điều ước quốc tế trong lĩnh vực dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

Do đó, việc tách Luật Tương trợ tư pháp thành 4 dự án luật độc lập, giao nhiệm vụ cho các cơ quan đầu mối trong từng lĩnh vực cũng phù hợp, tạo sự liên thông, đồng bộ giữa pháp luật trong nước và điều ước quốc tế trong các lĩnh vực này.
Tờ trình Dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự cũng nêu rõ, Luật Tương trợ tư pháp không bao gồm tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hành chính nhưng thực tiễn đã phát sinh yêu cầu tương trợ tư pháp để phục vụ giải quyết các vụ án hành chính.
Luật Tương trợ tư pháp cũng chưa quy định việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế tương trợ tư pháp về dân sự trong bối cảnh gần đây Việt Nam đã ký kết, gia nhập nhiều điều ước quốc tế song phương và đa phương mới về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự; chưa tạo cơ chế từng bước xã hội hóa hoạt động tống đạt giấy tờ để giảm tải công việc cho cơ quan nhà nước và rút ngắn thời gian thực hiện; thiếu cơ sở pháp lý để đa dạng các phương thức thực hiện tương trợ tư pháp mới và ứng dụng công nghệ thông tin trong tương trợ tư pháp về dân sự.
Trong lĩnh vực dẫn độ, Tờ trình dự án Luật Dẫn độ nêu, một số quy định của Luật Tương trợ tư pháp không còn phù hợp với các đạo luật mới trong lĩnh vực tư pháp được Quốc hội ban hành trong thời gian vừa qua khiến Luật Tương trợ tư pháp thiếu gắn kết và chưa đồng bộ với pháp luật tố tụng trong nước, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc giải quyết kịp thời các vụ việc dẫn độ.
Cụ thể như: quy định về hợp pháp hóa lãnh sự đối với giấy tờ, tài liệu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tại Điều 7 Luật Tương trợ tư pháp không áp dụng cho hoạt động dẫn độ do các giấy tờ, tài liệu trong hoạt động dẫn độ thường được miễn hợp pháp hóa lãnh sự. Quy định tại khoản 2 Điều 3 về “việc áp dụng pháp luật nước ngoài chỉ được thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên” nhưng lại có quy định cho phép áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong pháp luật quốc tế tại khoản 2 Điều 4…
Luật Tương trợ tư pháp cũng chưa có quy định về trình tự, thủ tục lập yêu cầu dẫn độ của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, bắt khẩn cấp để dẫn độ, thủ tục dẫn độ đơn giản, quá cảnh dẫn độ, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, các quy định liên quan đến cam kết không áp dụng án tử hình khi phía nước ngoài có yêu cầu…
Theo Tờ trình dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, Luật Tương trợ tư pháp 2007 chưa quy định cụ thể, toàn diện các vấn đề liên quan đến chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Do vậy, cần được quy định trong luật một cách cụ thể, chi tiết. Việc thiếu các quy định điều chỉnh các quan hệ xã hội trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù đã làm giảm hiệu quả hợp tác quốc tế trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù trong thời gian qua.
Xuất phát từ thực tiễn trên, các ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đều cơ bản nhất trí với sự cần thiết xây dựng 4 dự án Luật: dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, dự án Luật Dẫn độ và dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.
Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng cho rằng, để đáp ứng những yêu cầu mới phát sinh của quá trình hội nhập quốc tế, yêu cầu của cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và chuyển đổi số cũng như thực tiễn phát triển của hoạt động tương trợ tư pháp, các quy định về tương trợ tư pháp trong các lĩnh vực nói chung, trong đó có các quy định tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù cần được hoàn thiện một cách chuyên sâu và toàn diện hơn.
Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân của Việt Nam
Về sự đồng bộ, thống nhất của 4 dự án Luật, các Tờ trình đều khẳng định các dự thảo Luật bảo đảm sự tương thích, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan; thống nhất, đồng bộ với các quy định trong các dự án Luật Tương trợ tư pháp khác đang được xây dựng.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nhận thấy, cách tiếp cận về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật giữa các dự thảo Luật còn ở mức độ khác nhau.
Đơn cử, với dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, dự thảo Luật rất ngắn gọn và giao cho Chính phủ quy định chi tiết nhiều nội dung, trong đó có các quy định về thời hạn. “Hầu như trong dự thảo Luật không còn quy định thời hạn. Tuy nhiên, điều này lại chưa đồng bộ với 3 dự án Luật còn lại (tách ra từ Luật Tương trợ tư pháp), vì 3 dự án Luật còn lại đều đang giữ lại quy định về thời hạn tiếp nhận hồ sơ, xử lý tiếp theo của các cơ quan có thẩm quyền…".
Chỉ ra sự thiếu đồng bộ trên giữa các dự thảo Luật trong lĩnh vực tương trợ tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng đề nghị, các cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát và quy định khái quát những nội dung này theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết, nhằm bảo đảm sự thống nhất giữa 4 dự thảo Luật.
Về áp dụng pháp luật tại Điều 5 dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, một số ý kiến đề nghị, việc áp dụng pháp luật nước ngoài trong tương trợ tư pháp về dân sự là vấn đề hệ trọng, liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia. Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị, cần quy định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp xem xét, áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết vụ án, vụ việc, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân của Việt Nam. Mặt khác, cần rà soát, có phương án xử lý trường hợp có đủ điều kiện áp dụng pháp luật nước ngoài trong tương trợ tư pháp về dân sự, nhưng việc áp dụng pháp luật nước ngoài vẫn không thực hiện được.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang chỉ rõ, một số nội dung quản lý nhà nước quy định trong cả 4 dự thảo Luật là không cần thiết như: tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực... vì đã được quy định trong các luật liên quan như Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Xử lý vi phạm hành chính…
Các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, cân nhắc, có thể quy định gộp các điều quy định nội dung quản lý nhà nước thành 1 điều luật mang tính nguyên tắc về trách nhiệm quản lý nhà nước về tương trợ tư pháp trong 4 lĩnh vực: dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.