Biến quyết tâm chính trị thành kết quả cụ thể
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội Khóa XV đã quán triệt sâu sắc định hướng của Đảng về công tác lập pháp và cải cách thể chế. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, phải biến thể chế từ “điểm nghẽn” trở thành lợi thế cạnh tranh - việc xây dựng, ban hành pháp luật cần kịp thời, bám sát thực tiễn để không “chậm trễ, mất cơ hội”. Đây cũng chính là kim chỉ nam cho hành động của Quốc hội: phải chủ động hoàn thiện, cải cách mạnh mẽ để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước.

Trên tinh thần ấy, Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đã và đang làm việc với quyết tâm cao nhất, chạy đua với thời gian để cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư. Những nội dung trọng tâm của hai cuộc cách mạng mà Đảng đang lãnh đạo - tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số - đều được đưa vào chương trình nghị sự một cách quyết liệt.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội về sửa đổi Hiến pháp. Ảnh: Lâm Hiển
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc đẩy nhanh tháo gỡ các vướng mắc thể chế, thúc đẩy chuyển đổi số, cải cách hành chính và huy động nguồn lực cho khoa học công nghệ, Quốc hội đã nhanh chóng điều chỉnh chương trình lập pháp, bổ sung các dự án luật cấp bách theo đề nghị của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào chương trình nghị sự, bảo đảm các chủ trương mới của Đảng được thể chế hóa kịp thời, không chậm trễ. Các nội dung quan trọng như bố trí ít nhất 3% ngân sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp tới. Tất cả cho thấy tinh thần “nói đi đôi với làm”, bám sát chỉ đạo của người đứng đầu Đảng để biến quyết tâm chính trị thành kết quả cụ thể.
Khối lượng công việc đồ sộ chưa từng có tại một kỳ họp của Quốc hội
Chương trình dự kiến của Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV phản ánh một khối lượng công việc khổng lồ với nhiều nhiệm vụ lần đầu tiên được tiến hành cùng lúc. Các đại biểu Quốc hội sẽ phải tập trung trí tuệ và thời gian cho rất nhiều nội dung quan trọng, nổi bật như:
Xem xét sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013: Đây là nhiệm vụ trọng đại, dự kiến dành 2 ngày của Kỳ họp. Việc sửa đổi Hiến pháp sau 10 năm đòi hỏi tầm nhìn chiến lược, nhằm cập nhật nền tảng pháp lý cao nhất của đất nước phù hợp với tình hình mới, đặc biệt tạo cơ sở hiến định cho việc tổ chức tinh gọn bộ máy và các cải cách lớn khác.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7 thảo luận một số nội dung trình tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Hồ Long
Dự kiến thông qua 30 luật và 7 nghị quyết. Đây là con số kỷ lục các dự luật, nghị quyết được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một Kỳ họp cho đến nay. Các luật được thông qua trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, tài chính (như Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi...) đến giáo dục, lao động (Luật Nhà giáo, Luật Việc làm sửa đổi...), từ quản trị nhà nước (Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)...) đến khoa học công nghệ (Luật Bảo vệ Dữ liệu cá nhân, Luật Công nghiệp công nghệ số...). Điều này thể hiện quyết tâm tháo gỡ mọi rào cản thể chế trên các lĩnh vực, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, minh bạch, biến chính sách, pháp luật thành động lực phát triển. 7 nghị quyết quan trọng cũng sẽ được Quốc hội xem xét, ban hành, trong đó có nghị quyết về sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh nhằm tinh gọn bộ máy, và các cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ vướng mắc cho phát triển kinh tế - xã hội ở những lĩnh vực, địa phương trọng điểm.
Cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác: Các dự luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tình trạng khẩn cấp... được trình Quốc hội cho ý kiến cũng sẽ đặt nền móng cho những cải cách tiếp theo, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi số, quản trị an ninh dữ liệu và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đây đều là những lĩnh vực mới, phức tạp, cho thấy tầm nhìn đi trước đón đầu của Quốc hội đối với xu thế phát triển của đất nước và thế giới.
Xem xét, quyết định hàng loạt vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách, giám sát và tổ chức bộ máy quan trọng khác: Quốc hội sẽ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và những tháng đầu 2025, quyết định điều chỉnh một số chỉ tiêu, chính sách kinh tế quan trọng (như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 6 tháng cuối 2025 để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân). Quốc hội cũng sẽ phê chuẩn quyết toán ngân sách 2023, xem xét các báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và bình đẳng giới, bảo đảm các mục tiêu phát triển bền vững được giám sát chặt chẽ. Đồng thời, những quyết định về điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến 2030, chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng (như đường cao tốc Quy Nhơn – Pleiku) cũng sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định nhằm tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế vùng và liên vùng. Đặc biệt, Quốc hội sẽ xem xét việc thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia để chuẩn bị cho tổng tuyển cử sắp tới, đảm bảo bộ máy nhà nước được tổ chức chu đáo, tinh gọn và hiệu quả.

Dự kiến, Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ, cho thấy Quốc hội rất coi trọng công tác giám sát, sẵn sàng làm việc thêm giờ để làm rõ những vấn đề nóng bỏng mà cử tri quan tâm. Các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trên cả nước gửi đến kỳ họp cũng sẽ được trình bày, lắng nghe đầy đủ, thể hiện tinh thần gần dân, trọng dân của Quốc hội.
Có thể nói, từng nội dung trên đây đều vô cùng quan trọng, đòi hỏi Quốc hội phải làm việc với cường độ và hiệu suất chưa từng có. Khối lượng công việc đồ sộ này chính là phép thử đối với bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần trách nhiệm của Quốc hội Khóa XV. Nhưng nhìn vào sự chuẩn bị kỹ lưỡng, quyết tâm cao, từ sớm từ xa của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thời gian qua, thể hiện qua các hoạt động khảo sát, lắng nghe ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, các đối tượng chịu sự tác động, điều chỉnh của các dự luật, dự thảo nghị quyết và các phiên họp liên tục để nghiên cứu, thẩm tra, hoàn thiện các dự luật, dự thảo nghị quyết thì cử tri cả nước có thể tin tưởng rằng Quốc hội sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tạo ra những quyết sách lịch sử đưa đất nước sang trang mới.
Niềm tự hào và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội
Trước trọng trách lớn lao này, mỗi đại biểu Quốc hội càng phải nhận thức sâu sắc niềm vinh dự và trách nhiệm mà mình đang gánh vác. Được đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, đóng góp vào những quyết định liên quan vận mệnh quốc gia là một vinh dự đặc biệt mà không phải ai cũng có được. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, các đại biểu đang trực tiếp góp phần vào hai cuộc cách mạng lớn do Đảng ta khởi xướng: cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy nhà nước mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và cuộc cách mạng về phát triển khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhằm đưa đất nước bứt phá vươn lên trong kỷ nguyên mới. Đây chính là những nhiệm vụ có ý nghĩa lịch sử, tạo nền tảng cho đất nước Việt Nam hùng cường vào giữa thế kỷ XXI.

Ý thức rõ trọng trách đó, các đại biểu Quốc hội đang không quản ngày đêm, tận tụy với công việc. Mỗi bộ luật được thảo luận, mỗi quyết sách được thông qua đều là kết tinh của biết bao tâm huyết, trăn trở của đại biểu. Tất cả vì mục tiêu chung là hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, khối lượng công việc còn dày đặc, nhưng với khí thế quyết tâm đã được hun đúc, chúng ta có cơ sở để tin tưởng vào thành công của Kỳ họp thứ Chín. Khi ý Đảng lòng dân hòa làm một, khi mỗi đại biểu Quốc hội đều cháy bỏng tinh thần trách nhiệm và lòng tự hào dân tộc, không thử thách nào không thể vượt qua. Quốc hội Khóa XV bằng hành động cụ thể, quyết liệt của mình sẽ tiếp tục khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, xứng đáng với niềm tin mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Hơn lúc nào hết, niềm tin và kỳ vọng của nhân dân đang đặt trọn vào những quyết sách mạnh mẽ, kịp thời của Quốc hội. Thành công của Kỳ họp thứ Chín sẽ là minh chứng sống động cho thấy ý chí, nghị lực Việt Nam: khi đã quyết tâm thì sẽ hành động đến cùng và nhất định đạt kết quả. Đó cũng chính là tiền đề vững chắc để chúng ta tự tin tiến bước trên con đường xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và hùng cường trong tương lai không xa.