Các ý kiến cũng đề nghị, thẩm quyền thay đổi quy hoạch cấp tỉnh phải được cơ quan quy hoạch cấp quốc gia cho phép và thẩm quyền thay đổi quy hoạch cấp quận huyện phải do cấp tỉnh quyết định.
Quy hoạch phải bảo đảm tầm nhìn dài hạn
Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, GS.TS. Trần Ngọc Đường nêu rõ, theo dự thảo Luật, việc lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất thực hiện ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện (không kể quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng và đất an ninh). Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được tiến hành từ trên xuống. Điều đó có nghĩa là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp trên quyết định quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới, như vậy là không hợp lý.
Phân tích rõ hơn, GS.TS. Trần Ngọc Đường cho rằng, nên chăng việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần tiến hành từ dưới lên thì việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mới sát thực tế và khả thi. Thực tiễn cho thấy, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất những năm qua thường xuyên điều chỉnh, thay đổi thiếu ổn định.
Liên quan đến vấn đề này, Điều 71 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với các căn cứ để điều chỉnh quy định quá rộng và thiếu cụ thể nên rất dễ bị lợi dụng để điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phê duyệt, ví dụ như điểm đ và e khoản 2 Điều 71. Đồng thời, cần xem lại quy định về thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch có quá rộng không? Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, thẩm quyền thay đổi quy hoạch cấp tỉnh phải được cơ quan quy hoạch cấp quốc gia cho phép và thẩm quyền thay đổi quy hoạch cấp quận huyện phải do cấp tỉnh quyết định.
Cũng cho rằng quy hoạch sử dụng đất là vô cùng quan trọng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng chỉ rõ, thực trạng quy hoạch sử dụng đất cho thấy, mặc dù những năm qua Nhà nước đã có nhiều biện pháp quản lý, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng và hiệu quả của bộ máy chuyên ngành quản lý đất đai, siết chặt kỷ cương trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý sai phạm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực về đất đai… nhưng "bức tranh" sử dụng đất đai vẫn chưa thực sự sáng sủa.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện thông tin thêm, theo báo cáo của Đoàn giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến ngày 1.7.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỷ lệ đơn thư liên quan đến đất đai là khoảng 70% trên tổng lượng đơn thư hàng năm. Các khiếu kiện và tố cáo, tố giác sai phạm về đất đai có nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân là do công tác quy hoạch thiếu tầm nhìn, quy hoạch cảm tính...
Từ thực tế này, Phó Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định rõ việc quy hoạch sử dụng đất phải bảo đảm tầm nhìn dài hạn, có thể hàng trăm năm mà không nên hạn chế thời hạn quy hoạch dưới 50 năm; đồng thời phải dựa trên cơ sở khoa học, đánh giá tác động toàn diện về không gian phát triển cũng như bảo đảm đời sống của người dân, gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc gắn với quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.
Làm rõ hơn các nguyên tắc mới, tiến bộ về bồi thường khi thu hồi đất
Về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thu hồi đất, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Duy Thường cho rằng, thực tiễn trong quy trình thu hồi đất có những khó khăn, tồn tại dẫn đến xảy ra khiếu kiện phức tạp, đông người do chưa có đầy đủ quy phạm pháp luật, hoặc còn hạn chế về nhận thức pháp luật, về sự phối hợp chưa đồng bộ trong hệ thống chính trị ở mỗi cấp.
Bởi vậy, theo ông Đỗ Duy Thường, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất cần có quy định bảo đảm nguyên tắc: dân chủ, công khai, minh bạch, chính xác và trách nhiệm giải trình, bảo đảm hài hòa lợi ích để từng bước hạn chế khiếu kiện bức xúc, nhất là tránh xảy ra xung đột phức tạp. Cùng với đó, cần bổ sung quy phạm về sự phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương ngay từ khâu đầu tiên của quy trình thu hồi đất để tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật về thu hồi đất, việc kiểm định đất đai, nhà ở... để định giá đền bù, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng.
Đồng quan điểm, Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho rằng, nội dung bồi thường hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất “là một trong những vấn đề nóng nhất”. Cơ bản nhất trí với các nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất được quy định tại Điều 89 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Trần Hữu Huỳnh nhận định, dự luật đã đề ra những nguyên tắc tiến bộ và cũng có một số điểm mới, đặc biệt là nhấn mạnh nguyên tắc về việc bồi thường khi thu hồi phải bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, khách quan, kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Luật sư Trần Hữu Huỳnh cũng bày tỏ sự băn khoăn với nguyên tắc “việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn ở nơi ở cũ”. Nhấn mạnh đây là điểm “tuyệt vời” về chính sách, đã được người dân phấn khởi tiếp nhận, song theo ông, phải làm rõ “hơn nơi ở cũ” là hơn như thế nào, thu nhập là bao gồm những thu nhập gì? Hiện nay cách tiếp cận của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với việc thu hồi đất mới chú ý đến khía cạnh vật chất mà chưa chú ý đến khía cạnh tinh thần, tình cảm, đời sống, quá khứ của con người, của những gia đình bị thu hồi. Vì vậy, cần cân nhắc nguyên tắc tại khoản 2 Điều 89 để tránh xảy ra các khiếu nại, khiếu kiện sau này.