Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, với mục tiêu kết nối hai trung tâm kinh tế lớn của cả nước, là dự án giao thông trọng điểm và mang tính chiến lược của nước ta. Dự án được kỳ vọng tạo bước đột phá trong phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối với hệ thống đường sắt trong khu vực và châu Á; mở ra không gian phát triển kinh tế mới; tạo động lực lan tỏa, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của cả nền kinh tế nước ta từ sản xuất vật liệu đến chế tạo cơ khí, xây dựng hạ tầng, điện, công nghệ số...
Nếu được Quốc hội phê duyệt, đây sẽ là dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước tới nay, với khoảng 1,71 triệu tỷ đồng (67,34 tỷ USD), được Chính phủ đề xuất hình thức đầu tư công. So với các dự án đã, đang triển khai, sơ bộ tổng mức đầu tư của đường sắt tốc độ cao gấp hơn 5 lần Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành; gấp gần 3 lần mục tiêu xây dựng 5.000km đường bộ cao tốc… Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án này cũng vượt quá (bằng 114%) tổng vốn đầu tư công trung hạn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 (là 1,5 triệu tỷ đồng đã bao gồm số dự phòng) và tương đương 59,7% tổng mức vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025.
Với quy mô và mức đầu tư lớn như vậy, dự án không chỉ đặt ra kỳ vọng phát triển mà còn ẩn chứa những thách thức và rủi ro tiềm ẩn - đã được các ĐBQH nêu ra trong phiên thảo luận tổ vừa qua.
Đầu tiên, với nhu cầu vốn thực hiện dự án rất lớn như trên, để bảo đảm nguồn cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để huy động nguồn lực, tăng thu ngân sách nhà nước, cắt giảm chi thường xuyên và có thể phải chấp nhận bội chi ngân sách tăng lên trong một số năm. Điều này dẫn đến rủi ro về nhu cầu vay, khả năng huy động và nghĩa vụ trả nợ trong tương lai.
Bên cạnh đó, đường sắt tốc độ đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, từ việc xây dựng nền móng, đường ray đến công nghệ vận hành, bảo trì. Với địa hình đa dạng của nước ta, từ đồng bằng, đồi núi đến vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, việc thiết kế và xây dựng tuyến đường đòi hỏi sự chính xác cao. Đồng thời, việc lựa chọn nhà thầu, việc chuẩn bị nhân lực để vận hành, quản lý dự án và quá trình chuyển giao công nghệ đều là những nội dung rất quan trọng.
Đặc biệt, tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án sơ bộ là khoảng 10.827ha. Trong đó đất trồng lúa khoảng 3.655ha; đất lâm nghiệp khoảng 2.567ha; các loại đất khác theo quy định của pháp luật về đất đai khoảng 4.605ha và cần di dân tái định cư khoảng 30.209 hộ dân. Điều này đòi hỏi việc đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư phải minh bạch, công bằng và hết sức thấu đáo mới tránh được nguy cơ phản đối, khiếu kiện làm chậm trễ tiến độ dự án.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không đơn thuần là một dự án xây dựng, mà còn là sự kết hợp của công nghệ hiện đại, quản lý chặt chẽ và sự tham gia, phối hợp của nhiều bên liên quan, từ chính quyền trung ương, địa phương đến các nhà thầu. Mỗi sai sót nhỏ trong khâu chuẩn bị đều có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, từ chậm tiến độ đến tăng chi phí hoặc suy giảm chất lượng công trình.
Nước ta đã có không ít bài học đắt giá từ các dự án hạ tầng lớn trước đây, nơi những hạn chế trong công tác chuẩn bị đã dẫn đến đội vốn, chậm tiến độ hoặc thất thoát ngân sách. Do đó, việc đầu tư vào giai đoạn chuẩn bị cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, như yêu cầu của các ĐBQH, không chỉ là cách để tránh lặp lại sai lầm mà còn là nền tảng để tối ưu hóa hiệu quả đầu tư, nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn khi vận hành. Và như vậy, dự án này không chỉ là "đường tàu", mà còn là "đường phát triển" của Việt Nam trong thế kỷ XXI.