Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm nay có thêm một điều đặc biệt khi đúng dịp này, dự án Luật Nhà giáo đã được trình Quốc hội. Qua phiên thảo luận tổ cho thấy, đa số đại biểu Quốc hội đều ủng hộ, nhất trí cao với sự cần thiết ban hành đạo luật này. Bởi đây không chỉ là sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với các nhà giáo, mà việc tạo lập một khung pháp lý thống nhất sẽ giúp đội ngũ các nhà giáo - lực lượng đặc biệt quan trọng của xã hội yên tâm công tác, phát triển. Như chia sẻ của ĐBQH Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội), với tròn 40 năm làm công tác giảng dạy, ông cảm thấy may mắn vì trong dự luật này “đã hướng dẫn rất nhiều việc cho những người làm thầy”, trong đó có những việc mà trước đây “thực sự là phải mày mò”.
Tất nhiên, dự luật quan trọng này còn nhiều nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Trong đó, các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà giáo phải được rà soát kỹ lưỡng hơn nữa, đặt trong mối tương quan mật thiết với nhà trường, với xã hội… để bảo đảm tính khả thi và thực sự tạo động lực cho các nhà giáo.
Đơn cử như quy định về nghĩa vụ “thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đối với giảng viên, tham gia nghiên cứu và áp dụng khoa học giáo dục đối với giáo viên” đã có sự phân định mức độ nghĩa vụ theo đối tượng nhà giáo cụ thể. Vậy ở chiều ngược lại, trách nhiệm, nghĩa vụ của xã hội như thế nào để tạo điều kiện cho nhà giáo có thể thực hiện được nghĩa vụ của mình? Trên nghị trường, có đại biểu Quốc hội từng cho biết, 90% các công bố quốc tế hiện nay của chúng ta đang nằm trong các trường đại học, nhưng kinh phí nghiên cứu khoa học dành cho các trường đại học chỉ có khoảng 6,7%. GS. Hoàng Văn Cường cho rằng, “rõ ràng hiện nay, chúng ta đang vắt sức của các thầy để tạo ra sáng tạo đó, chứ không có đầu tư”.
Và như vậy, cùng với nghĩa vụ thì cũng cần phải có cơ chế cụ thể hơn đối với hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường đại học, không chỉ là cơ chế với giảng viên nghiên cứu khoa học mà còn phải tính đến cả cơ chế liên kết, xã hội hóa, tạo đầu ra cho các sản phẩm nghiên cứu khoa học, phải “cởi trói” về thủ tục hành chính để nhà giáo có thể dành trọn tâm sức, trí tuệ cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
Cùng với đó là vấn đề nguồn lực thực hiện. Dự luật có 50 điều, trong đó có rất nhiều điều khoản liên quan đến chi ngân sách nhà nước, như: quy định Lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; các chính sách hỗ trợ nhà giáo… nhưng trong Tờ trình đánh giá tác động về bảo đảm nguồn lực thực hiện mới chỉ nêu chung chung là “cơ bản không yêu cầu tăng thêm nhân lực để triển khai thực hiện chính sách sau khi được thông qua” mà chưa có đánh giá tác động về nguồn lực tài chính, ngân sách nhà nước khi thực hiện các quy định này. Ủy ban Tài chính - Ngân sách trước đó khi tham gia thẩm tra dự án Luật Nhà giáo cũng đã đề nghị cơ quan trình cần bổ sung đánh giá đầy đủ, toàn diện nhu cầu chi ngân sách nhà nước, nguồn lực và tác động liên quan đến việc bố trí ngân sách nhà nước để tổ chức thực hiện các quy định tại dự thảo Luật này.
Một vấn đề nữa cũng cần lưu ý là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo là khá nhiều nếu so với quy mô của một dự luật chỉ có 50 điều. Từng công tác trong ngành giáo dục, ĐBQH Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) cho biết, “hồ sơ dự án Luật có 3 dự thảo Nghị định và 13 dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Luật là quá nhiều, như là một rừng nghị định, thông tư. Vậy khi áp dụng trên thực tế thì phải nghiên cứu rất nhiều văn bản, áp dụng quy định này phải tìm nghị định, thông tư này, áp dụng quy định khác thì phải tìm nghị định, thông tư khác rất mất thời gian".
Ở tầm luật, dự án Luật Nhà giáo được đánh giá là khó bởi phạm vi điều chỉnh rộng, bao gồm cả nhà giáo trong khu vực công và khu vực tư với nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Chỉ tính riêng các luật trực tiếp quy định các chế tài quản lý nhà giáo hiện nay đã có 6 luật gồm Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học, chưa kể các luật có điều chỉnh gián tiếp khác. Do đó, không chỉ phải rà soát bảo đảm tính thống nhất của Luật Nhà giáo với hệ thống pháp luật mà cần thiết phải rà soát, nghiên cứu tích hợp, bảo đảm sự thống nhất, tinh gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ áp dụng nhất cả với các quy định hướng dẫn thi hành luật để nhà giáo được tạo điều kiện thuận lợi nhất trong thực hiện sứ mệnh trồng người cao cả của mình, bớt đi những "gánh nặng" ngoài chức trách, nhiệm vụ của một nhà giáo.
Một đạo luật về nhà giáo với những chính sách thật sự khả thi sẽ là sự tri ân ý nghĩa nhất dành tặng các thầy giáo, cô giáo. Hy vọng rằng, qua phiên thảo luận tổ và trong tuần tới, khi Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể, chúng ta sẽ có một đạo luật hoàn thiện, thực sự đem lại niềm vui lớn cho các nhà giáo; đồng thời, thực hiện được "mục tiêu cao nhất phải tập trung hiện nay" như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong cuộc gặp mặt đại diện các nhà giáo sáng 18.11, đó là "hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng”.