Đối với Điều 8,9 dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), đại biểu cho rằng quy định về phân cấp, uỷ quyền tại dự thảo luật (Luật hiện hành không có) đã góp phần hoàn thiện các nội dung mang tính nguyên tắc về phân cấp, ủy quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với chính quyền địa phương. Đồng thời làm rõ được chủ thể phân cấp, uỷ quyền; cơ chế chịu trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người được phân cấp, uỷ quyền; quy định rõ việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, người được phân cấp, uỷ quyền không được phân cấp,uỷ quyền tiếp nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được phân cấp, uỷ quyền.
![ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 13.2. Ảnh: H.N tran-thi-van-bac-ninh.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/fc748c19e791f74c55435e60a7039405ed7c84cf99eb025db9cd09a71a76631ace14db0d68710fed1f3aff7a37953523092e60fcc33c04fcfdcf60c3968ef108/tran-thi-van-bac-ninh.jpg)
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ (Điều 10 dự thảo luật) đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, thẩm quyền của Chính phủ và 8 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, bảo đảm Chính phủ thực hiện chức năng của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, tạo điều kiện cho Chính phủ chủ động, linh hoạt và tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch …
Về trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ (Điều 14 dự thảo Luật), đại biểu cho rằng tại khoản 4 Điều 14 dự thảo luật bổ sung trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ khi ký các văn bản thay mặt Chính phủ, góp phần hoàn thiện trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ.
ĐBQH Trần Thị Vân cũng cho rằng, tại khoản 2, khoản 4 Điều 19 dự thảo Luật quy định Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ: (1) Ban hành chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật; (2) Quyết định theo thẩm quyền các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ mà mình là người đứng đầu theo quy định của pháp luật sẽ bảo đảm tính thống nhất và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, khắc phục tình trạng chưa quy định thống nhất về việc ban hành chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực hiện nay.
Phát biểu về Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), liên quan đến xác định số lượng đại biểu HĐND, ĐBQH Trần Thị Vân đề nghị bổ sung quy định “Thường trực HĐND khóa trước xác định số lượng đại biểu HĐND được bầu của đơn vị hành chính cùng cấp” để bảo đảm tính ổn định và thuận lợi cho công tác tổ chức
Góp ý Khoản 14, Điều 28 dự thảo Luật quy định về trình tự giải quyết công việc HĐND uỷ quyền cho Thường trực HĐND, ĐBQH Trần Thị Vân đề nghị bổ sung quy định trình tự giải quyết những công việc được ủy quyền này. Trong trường hợp Luật không quy định thì đề nghị ban soạn thảo đề xuất văn bản hướng dẫn cụ thể của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có căn cứ pháp lý thực hiện
Tại Điều 31 dự thảo luật quy định việc HĐND họp thường lệ, họp chuyên đề, họp công khai, họp kín, họp, bàn quyết định những công việc của địa phương. Đại biểu Trần Thị Vân cho rằng chưa có quy định hình thức họp trực tuyến.
“Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định tổ chức kỳ họp HĐND theo hình thức trực tuyến để đáp ứng yêu cầu tổ chức kỳ họp trong những trường hợp đặc biệt và phù hợp với xu thế chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước hiện nay”, ĐBQH Trần Thị Vân nêu.
Về từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm người giữ chức vụ do HĐND bầu được quy định tại Điều 34 dự thảo luật. Theo đại biểu, thực tế hiện nay, quy trình miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Uỷ ban nhân dân đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 08/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, đối với việc miễn nhiệm người giữ chức vụ trong HĐND thì chưa có quy định cụ thể. Việc này, gây khó khăn, không thống nhất trong quá trình thực hiện.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về quy trình, thủ tục miễn nhiệm, bãi nhiệm người giữ chức vụ do HĐND bầu. Đồng thời, bổ sung chức năng nhiệm vụ của Trưởng ban, Phó trưởng ban của HĐND để làm căn cứ, cơ sở xây dựng Quy chế làm việc của các Ban của HĐND.