Theo đại biểu, Việt Nam đang đếm ngược 10 năm giai đoạn vàng để chuyển từ già hóa dân số sang dân số già như các nước châu Âu hiện nay. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể nhằm ưu tiên hỗ trợ đối với nhóm lao động mới như lao động công nghệ, lao động trong bối cảnh kinh tế số, chuyển đổi số; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo nâng cao trình độ lao động. Các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp đặt hàng các doanh nghiệp lớn, hoặc khuyến khích họ tham gia từ khâu xây dựng chương trình và mục tiêu đào tạo. Như vậy sẽ tận dụng được tối đa lợi thế về nhân lực dồi dào, biến thế hệ trẻ thành lực lượng lao động vàng đúng nghĩa, tạo sự đột phá trong xây dựng thị trường lao động hiệu quả.
Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, việc bổ sung Điều 17 về hỗ trợ tạo việc làm cho người cao tuổi là một bước đi đúng đắn và kịp thời, thể hiện sự quan tâm của nhà nước về chính sách việc làm cho người cao tuổi. Tuy nhiên, theo đại biểu chính sách mới chỉ tác động 1 chiều, chỉ tập trung vào việc hỗ trợ người lao động, chưa tạo ra động lực đủ mạnh để người sử dụng lao động cao tuổi vì hầu hết các doanh nghiệp đều muốn tuyển dụng những lao động trẻ. Do vậy, đại biểu kiến nghị cần bổ sung các chính sách ưu đãi đặc biệt để khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động cao tuổi như giảm thuế, hỗ trợ tiền mặt, vốn vay.
Về trình tự đăng ký lao động (Điều 23), đại biểu kiến nghị xem xét việc quy định đăng ký lao động đối với người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Bởi phần lớn thông tin yêu cầu trong hồ sơ đăng ký lao động. Việc bổ sung thêm quy trình đăng ký lao động sẽ gia tăng thêm gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp gây lãng phí thời gian. Đại biểu cho rằng không nên bổ sung quy trình đăng ký lao động đối với người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Về quy định “thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo”, tại điểm đ khoản 3 Điều 60 dự thảo Luật, đại biểu cho rằng quy định này vừa gây thiệt thòi cho người lao động, vừa làm suy yếu chính sách an sinh xã hội. Người lao động khi đạt ngưỡng 144 tháng đóng bảo hiểm có thể chọn nghỉ việc để không lãng phí quyền lợi, dẫn đến tình trạng “làm đủ rồi nghỉ”, làm suy giảm tính ổn định của thị trường lao động...
Đại biểu Nguyễn Thị Hà cho rằng cần bỏ 144 tháng và bảo lưu toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo công bằng cho người lao động, khuyến khích họ duy trì việc làm ổn định, giảm nguy cơ lạm dụng chính sách và củng cố niềm tin vào hệ thống an sinh xã hội, đóng góp tích cực cho sự phát triển của thị trường lao động về nền kinh tế.
Đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 64 trong dự thảo nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm.