ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) cho rằng, tại điều 37 về Chế độ làm việc của UBND, cơ quan soạn thảo cần làm rõ việc nào làm việc theo chế độ làm việc tập thể, việc nào làm việc theo chế độ làm việc Thủ trưởng để điều hành của UBND và Chủ tịch UBND rõ ràng, cụ thể hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cũng đề xuất, nghiên cứu bổ sung quy định về tăng phân quyền cho chính quyền địa phương có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thí điểm một số chính sách chưa được pháp luật quy định nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Nhất là trong việc phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trên cơ sở quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Đảng và căn cứ điều kiện thực tế, khả năng, nguồn lực, yêu cầu phát triển của địa phương...
Đại biểu nhấn mạnh, quá trình xây dựng chính sách, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, triển khai thi hành văn bản thí điểm này cần báo cáo kịp thời cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm sự lãnh đạo sát sao của Đảng.
Về quy định đối với nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh, đại biểu đề xuất, cần bổ sung điểm 1, Điều 16 là HĐND quyết định tổng số lượng và mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách và người trực tiếp tham gia hoạt động ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định xử lý kỷ luật cán bộ tại Điều 18 và Điều 23 của dự thảo luật.
Theo đó, tại Điều 18 cần bổ sung vào điểm l khoản 1 nội dung quy định Chủ tịch UBND tỉnh có quyền ban hành quyết định xử lý kỷ luật Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND cấp dưới. Tại điều 23, bổ sung vào khoản 8 quy định thẩm quyền của Thường trực HĐND có quyền quyết định xử lý kỷ luật Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp dưới.