Có thể gây tăng chi thường xuyên, ảnh hưởng đến các nhiệm vụ khác
Cho ý kiến với dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều cho rằng, các quy định tại dự thảo Luật sẽ góp phần tháo gỡ căn bản các tồn tại, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn phát sinh trong quá trình thi hành Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng nguồn lực đầu tư công để thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hạ tầng trong tình hình mới.
Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) sửa đổi quy định hiện hành theo hướng cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án (bao gồm cả dự án nhóm B, C).
Tán thành việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng nhằm khắc phục tình trạng đầu tư kéo dài và giải ngân chậm, song ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị, cần quy định cụ thể về thời gian hoàn thành cho cả dự án giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng công trình. Hoặc quy định dự án được chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn một là thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, giai đoạn 2 thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình.
Về chi phí lập, theo dõi, kiểm tra, đánh giá, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công, Điều 16 của dự thảo Luật quy định sử dụng nguồn chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị để thực hiện các chi phí lập, thẩm định, theo dõi kiểm tra, đánh giá, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công.
ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) đề nghị cần cân nhắc quy định này, vì việc quy định sử dụng nguồn chi thường xuyên có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ khác từ nguồn chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị.
Cũng liên quan đến nội dung nêu trên, tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia đã bổ sung khoản 10a vào Điều 8 của Luật Ngân sách nhà nước về chi ngân sách nhà nước cho hoạt động đầu tư công.
Theo đó, tại dự thảo Luật quy định chi ngân sách nhà nước (bao gồm cả nguồn chi đầu tư công, chi thường xuyên) cho chi phí chuẩn bị, phê duyệt dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án; chi phí lập, thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch, tổ chức lập quy hoạch, thẩm định, công bố, rà soát, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định của Chính phủ…
Tán thành với việc bổ sung nguồn chi thường xuyên cho những hoạt động đầu tư công nêu trên để tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn, song ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) đề nghị, một số nội dung chi cần được cân nhắc kỹ, vì phạm vi chi tương đối rộng, nếu không được quy định chặt chẽ có thể dẫn đến quy mô chi thường xuyên tăng cao, tác động đến thực hiện chủ trương chung là giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển.
“Nhiều nội dung có thể dẫn đến nguồn chi lớn như chi lập, thẩm định, quyết định dự án; chi phí phê duyệt dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nhà tài trợ nước ngoài… Các nội dung chi này sử dụng nguồn chi lớn, nếu không phân tách rõ ràng trong sử dụng nguồn chi đầu tư và chi thường xuyên cho những nhiệm vụ này có thể dẫn đến tăng chi thường xuyên”, đại biểu Nguyễn Danh Tú lưu ý.
Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án, tại khoản 8, Điều 18, dự thảo Luật quy định UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C.
Theo đại biểu Trần Văn Tiến, quy định như dự thảo Luật là chưa rõ, vì cũng tại khoản 7, Điều 18 đã quy định UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, tại khoản 8, Điều 18 quy định UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương. Ban soạn thảo cần cân nhắc quy định rõ tại khoản 8, Điều 18 là UBND cấp huyện và UBND cấp xã quyết định chủ trương đầu tư với những dự án này, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị.
Cân nhắc cho phép sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ các địa phương nước ngoài
Cho ý kiến với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia, đại biểu Dương Văn Phước cho rằng, tại khoản 2 Điều 4 dự thảo Luật về bổ sung điểm d, khoản 9, Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước cần xem xét, nghiên cứu bổ sung quy định “sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ các địa phương nước ngoài cho các dự án đầu tư xây dựng theo các chương trình, thỏa thuận hợp tác giữa các bên”.
Qua đó, tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương (trong đó có Quảng Nam) sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam, để thực hiện nhiệm vụ tăng cường quan hệ đối ngoại, hữu nghị, hợp tác phát triển.
Bên cạnh những nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước tại dự thảo Luật, đại biểu cũng đề nghị, Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc kịp thời sửa đổi, bổ sung quy định về nguồn thu ngân sách Trung ương tại Điều 35 của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành, để cho phép bổ sung “thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu” vào khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, thay vì khoản thu này thuộc về ngân sách Trung ương như hiện nay.
Đồng thời, Ban soạn thảo cần xem xét bỏ quy định “ngân sách cấp huyện không có nhiệm vụ chi nghiên cứu khoa học và công nghệ” tại điểm c khoản 1 Điều 39 để các địa phương bảo đảm kinh phí thực hiện được nhiệm vụ được giao. Bởi, trong thực tiễn, cấp huyện có phát sinh nhiệm vụ nghiên cứu đề tài về yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đô thị… giống như đề tài khoa học và công nghệ nhưng lại không được chi ngân sách thực hiện nội dung này do vướng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 39 Luật Ngân sách nhà nước.
Cho ý kiến với việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) cho rằng, bên cạnh các điều khoản tại Luật hiện hành được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật, Ban soạn thảo cần cân nhắc bổ sung sửa đổi Điều 105 về quản lý, sử dụng tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước.
Theo đại biểu Vương Quốc Thắng, trong thực tế, kết quả của triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ rất đa dạng và Luật Sở hữu trí tuệ đã có quy định cụ thể về việc xử lý, giao quyền tự động, lưu giữ và khai thác, tổ chức tiếp nhận và ứng dụng nghiên cứu. Tuy nhiên, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công hiện hành chưa có quy định nội hàm tài sản là kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai.
Do vậy, đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định để làm rõ quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản hình thành từ ngân sách nhà nước; quy định cụ thể về quyền của đơn vị chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong khai thác, sử dụng tài sản; bổ sung quy định về phân chia lợi ích từ việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu.