Thống nhất nội dung triển khai thực hiện các dự án đầu tư
Theo ĐBQH Dương Bình Phú (Phú Yên), Khoản 1, Điều 45 của Dự thảo quy định về trình tự lập, thẩm định, phê duyệt chi phí chuẩn bị dự án hoặc dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án có cấu phần xây dựng thực hiện theo pháp luật về xây dựng là phù hợp với tình hình thực tiễn, rút ngắn thời gian thực hiện dự án. Tuy nhiên, với dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án không có cấu phần xây dựng và nhiệm vụ quy hoạch, dự thảo Luật vẫn quy định thẩm quyền phê duyệt thuộc Chủ tịch UBND các cấp theo điểm a, điểm d, Khoản 2, Điều 45.
Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu chỉnh sửa quy định tại điểm a, điểm d, Khoản 2, Điều 45 theo hướng tăng cường phân cấp, tương tự như dự án có cấu phần xây dựng. Cụ thể, thẩm quyền phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư dự án không có cấu phần xây dựng và nhiệm vụ quy hoạch thuộc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư hoặc chủ đầu tư (trong trường hợp đã xác định được chủ đầu tư).
Ngoài ra, tại Khoản 2, Điều 62 về nguyên tắc lựa chọn danh mục dự án, dự kiến mức vốn bố trí cho từng chương trình, nhiệm vụ, dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách nhà nước quy định “Phù hợp với khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, dự kiến khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư khác đối với các dự án sử dụng nhiều nguồn vốn đầu tư. Đối với các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, phù hợp với khả năng và tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư, đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận vay đáp ứng với các yêu cầu của nhà tài trợ nước ngoài”.
Tuy nhiên, khoản 1 Điều 36 Luật Quản lý nợ công quy định một trong các điều kiện được vay lại là UBND cấp tỉnh phải đáp ứng “Có chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương do cấp có thẩm quyền phê duyệt, đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật”. Quy định này của Luật Quản lý nợ công là nhằm bảo đảm dự án đã được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn khi đàm phán, ký kết và có thể triển khai rút vốn ngay sau khi ký, không phải chờ việc bố trí kế hoạch có thể là nguyên nhân của việc chậm giải ngân và phát sinh các chi phí vay vốn.
Vì vậy, đại biểu Dương Bình Phú đề nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc việc quy định “đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận vay đáp ứng với các yêu cầu của nhà tài trợ nước ngoài” tại dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất với Luật Quản lý nợ công.
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) đề nghị, bỏ cụm từ “không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch” tại Khoản 1, Điều 17 vì hiện nay, có rất nhiều quy hoạch (quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu, quy hoạch sử dụng đất…), do vậy tại bước chấp thuận chủ trương đầu tư lại yêu cầu phải phù hợp với tất cả các quy hoạch là một điều rất khó.
Ngoài ra, tại Khoản 1, Điều 19 quy định “phù hợp với chiến lược, phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt”, đề nghị sửa thành “phù hợp với chiến lược, phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp một trong các quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt”.
Tại Khoản 2 Điều 47 Trình tự, thủ tục quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư công khẩn cấp của dự thảo luật về Trình tự, thủ tục quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư công khẩn cấp, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị nghiên cứu, chỉnh sửa lại cho phù hợp với Điều 130, Luật Xây dựng để thống nhất nội dung triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp nhằm khắc phục hậu quả nhanh nhất (từ thực tiễn về khắc phục cơn bão số 3 YAGI vừa qua)…
Không nên quy định chi tiết trình tự quyết định chủ trương đầu tư
Góp ý vào dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà (Hòa Bình) cho rằng, có một số nội dung chưa giải quyết được những bất cập, tồn tại hiện nay, như: việc thực hiện giải ngân và bố trí kế hoạch thực hiện. Đại biểu mong rằng, trong lần sửa đổi Luật lần này sẽ giải quyết được căn bản vấn đề này.
Trong dự thảo Luật đang đề xuất theo hướng điều chỉnh tiêu chí phân nhóm các dự án, tăng quy mô của các dự án quan trọng Quốc gia, dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C. Đối với dự án quan trọng Quốc gia đang đề xuất tăng tổng mức quy mô lên 3 lần và những dự án A, B, C tăng gấp 3 lần. Việc đánh giá điều chỉnh tăng quy mô dự án được thực hiện từ năm 2015 đến nay thì việc điều chỉnh lần này có thể xem xét, tuy nhiên cần xem xét thêm nếu thực điều chỉnh quy mô này thì năng lực triển khai thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư hoặc quản lý đầu tư có vướng mắc gì không.
Dự thảo Luật có thay đổi, điều chỉnh lại thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, đại biểu cho rằng, đối với việc quản lý đầu tư công cần phải chặt chẽ, hiệu quả do vậy cần phải xem xét lại thẩm quyền quyết định và vẫn nên để HĐND các cấp quyết định chủ trương đầu tư các dự án. Trong trường hợp HĐND địa phương nào thấy nhiều dự án nhóm B, nhóm C thì lúc đó HĐND sẽ phân cấp hoặc ủy quyền lại cho UBND nhưng sẽ giao lại quyền cho địa phương quyết định chứ không nên quy định trong Luật.
Về trình tự quyết định chủ trương đầu tư nên rà soát lại những nội dung nào cần thiết sẽ đưa vào Luật và thực hiện đúng theo chủ trương của Đảng, Quốc hội chứ không nên quy định quá chi tiết. Đối với việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn hiện đang quy định trong Luật rất mờ nhạt. Đại biểu đề nghị, quy định rõ thẩm quyền của địa phương, của các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.
Ngoài ra, dự thảo Luật hiện vẫn đang xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm nên khi thực hiện điều chỉnh rất khó. Đại biểu đề nghị, cần điều chỉnh phù hợp với thông lệ quốc tế và chuyển sang kế hoạch 3 năm. Trong quá trình điều hành, nếu cái nào không phù hợp sẽ điều chỉnh lại trong những năm tiếp theo, như vậy sẽ chủ động hơn, tránh trường hợp phải báo cáo, xin điều chỉnh kế hoạch trong những năm vừa qua. Đồng thời, khi thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư thì toàn bộ khâu liên quan phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, giải phóng mặt bằng, thiết kế bản vẽ… cần đổi mới để phù hợp với thông lệ quốc tế.