Bổ sung đối tượng được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp
Đại biểu Trần Nhật Minh cho biết: Qua TXCT ở vùng đồng bào DTTS, chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS là một trong những vấn đề mà được nhiều cử tri quan tâm nhất. Theo Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế – xã hội của 53 DTTS năm 2019 của Tổng cục Thống kê, cả nước có gần 4 triệu lao động DTTS; nhưng tỷ lệ qua đào tạo nghề chỉ chiếm khoảng 3%; tương đương khoảng 120.000 lao động.
Ở khu vực trung du, miền núi phía Bắc, bình quân trong 100 lao động chỉ có 19 người đã qua đào tạo (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học); khu vực Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long còn thấp hơn, chỉ có 13 - 16 lao động/100 lao động đã qua đào tạo. “Đại đa số chưa qua đào tạo nên lao động DTTS chủ yếu làm việc đơn giản, thu nhập thấp”, đại biểu Trần Nhật Minh nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách để phát triển nguồn nhân lực DTTS nhằm giải quyết việc làm và tạo việc làm bền vững thông qua chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề dành cho đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình chỉnh lý Luật...
Đại biểu Trần Nhật Minh cũng cơ bản đồng tình với chính sách hỗ trợ tạo việc làm quy định tại Chương II dự thảo luật. Tuy nhiên, về đối tượng vay vốn, đại biểu cho rằng, cần làm rõ quy mô "Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động" quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 8, vì không giao Chính phủ quy định chi tiết, nên sẽ khó có căn cứ để thực hiện trong thực tiễn.
Đồng thời, đề nghị bổ sung đối tượng là “Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng tại địa bàn đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo” để tránh bỏ sót trường hợp tổ chức, đơn vị sử dụng lao động có sử dụng lao động là người DTTS nhưng không đủ số lượng để được hưởng chính sách này.
Cũng theo đại biểu Trần Nhật Minh, một trong những hạn chế của công tác giải quyết việc làm cho người DTTS là công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS, nhất là nghề phi nông nghiệp, việc làm tại chỗ hiệu quả còn thấp; việc kết nối đào tạo nghề với giải quyết việc làm hiệu quả chưa cao. Nhiều lao động đã được đào tạo nhưng chưa tìm được việc làm hoặc làm những công việc không phù hợp với ngành, nghề được đào tạo nhiều lao động đã được đào tạo nhưng chưa tìm được việc làm hoặc làm những công việc không phù hợp với ngành, nghề được đào tạo. Do đó đề nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung chính sách đối với thanh niên người DTTS. Cụ thể, ngoài việc hỗ trợ đào tạo nghề, cần có sự hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên là người DTTS, chính sách này cũng nhằm thể chế hóa Kết luận số 65-KL/TW ngày 30.10.2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Trung ương về nội dung tạo việc làm, đào tạo nghề đối với nông dân, cư dân nông thôn, thanh niên DTTS, trong đó có nêu: “Có chính sách giải quyết việc làm đối với thanh niên DTTS sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và đào tạo nghề;…”.
Liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp, đại biểu Trần Nhật Minh cho biết: tại Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg và Quyết định số 64/2015/QĐ-TTg ngày 17.12.2015 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 8.10.2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người DTTS cư trú tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người DTTS tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, có quy định: "Ngân sách Nhà nước hỗ trợ nộp thay đơn vị sử dụng lao động tiền bảo hiểm thất nghiệp cho lao động là người DTTS được tuyển dụng mới hoặc ký kết hợp đồng lao động”…
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá chính sách này để nghiên cứu bổ sung đối tượng được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp. “Việc bổ sung chính sách này không có tác động nhiều về nguồn lực thực hiện, bởi chính sách này đã được thực hiện ổn định từ 1.12.2012 đến nay”, đại biểu nhấn mạnh.
Nghiên cứu tính cần thiết việc thi, cấp, thu hồi chứng chỉ nghiệp vụ về dịch vụ việc làm
Dẫn quy định tại khoản 2 Điều 48: "Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định về việc thi, cấp, thu hồi chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về dịch vụ việc làm"… đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tính cần thiết của việc thi, cấp, thu hồi chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về dịch vụ việc làm, tránh việc đặt ra giấy phép con, phiền hà đến hoạt động của doanh nghiệp; phát sinh thêm chứng chỉ đối với viên chức, đề ra lợi ích không cần thiết cho ngành chuyên môn, phát sinh thêm thủ tục hành chính không cần thiết.
Hiện nay theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ đang chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành rà soát các loại chứng chỉ đối với đội ngũ viên chức, để làm rõ những loại chứng chỉ nào là điều kiện để được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; chứng chỉ nào là bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; phân loại chứng chỉ bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý viên chức…
Do đó, đại biểu đề nghị chỉ cần quy định: "Người trực tiếp thực hiện các hoạt động tư vấn; giới thiệu việc làm phải tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn về dịch vụ việc làm và được cấp giấy chứng nhận về việc đã tham gia khoá đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức (không phải là chứng chỉ)”.