Giám sát phải phản hồi lại thông tin về các địa phương
Quan tâm đến việc xử lý kiến nghị giám sát, ĐBQH Lâm Văn Mẫn (Sóc Trăng) cho biết, dự thảo Luật quy định: Trường hợp cơ quan, tổ chức cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong Nghị quyết kết luận kiến nghị giám sát thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị làm rõ, xử lý theo thẩm quyền là như thế nào? Kiến nghị giám sát của Đoàn ĐBQH mà các cơ quan không thực hiện thì xử lý thế nào và cho rằng kiến nghị giám sát phải có chế tài đi kèm, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát.
Lưu ý phải quy định trách nhiệm rất cụ thể và yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm thực hiện chứ không phải cứ kiến nghị, “làm thì làm, không làm thì thôi”, ĐBQH Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) nhấn mạnh, giám sát, kết luận giám sát phải có hiệu lực, hiệu quả hơn, có tính ràng buộc trách nhiệm hơn đối với các cơ quan có thẩm quyền. Đây cũng là một trong những yêu cầu bắt buộc để làm cho tốt hơn.
Chỉ rõ hiệu lực, hiệu quả giám sát ở địa phương chưa cao, ĐBQH Lê Trường Lưu (Thừa Thiên Huế) thẳng thắn, giám sát ở địa phương hiệu lực, hiệu quả chưa cao lắm. Thực tế, giám sát của các cơ quan Đảng là phải có kiểm điểm và khắc phục kết quả giám sát, không phải "nói xong là có làm hay không cũng không biết". Đại biểu đề nghị, “đã giám sát phải có kiểm điểm trách nhiệm, có kế hoạch khắc phục cụ thể, chế tài rõ ràng”.
Nhấn mạnh hệ quả sau giám sát cần được quy định rõ, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho biết, chúng ta còn có quan điểm khác nhau trong vấn đề này. Ví dụ, khi Quốc hội giám sát ở địa phương nhưng lại không có phản hồi thông tin từ phía Đoàn giám sát của Quốc hội hay Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về địa phương. Những vấn đề của địa phương chỉ được “gói” trong một báo cáo, nghĩa là các vấn đề của địa phương không được chỉ ra và không được trao đổi lại, để thấy những mặt mạnh, mặt yếu kém đã được Đoàn giám sát chỉ ra, từ đó động viên, khuyến khích những mặt được và chỉnh sửa những mặt còn chưa được.
Đại biểu cho rằng ngay cả giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cũng cần phản hồi lại thông tin với các địa phương.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đối với các kiến nghị sau giám sát phải được xử lý và thực hiện một cách nghiêm túc, có chế tài gắn với trách nhiệm. Thực tế những vấn đề này đã có quy định nhưng chưa được thực hiện tốt.
Để thực hiện tốt các kiến nghị sau giám sát, đại biểu cho rằng các báo cáo giám sát phải chỉ rõ vấn đề trong các nội dung chính sách, thậm chí có thể ở luật, văn bản dưới luật. Điều này gắn với thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật. Vấn đề này phải được xử lý kỹ, thì sau này, giám sát có thể không nhiều những rất trọng tâm, trọng điểm và tăng cường được quyền năng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát. Đồng thời, bảo đảm phục vụ tốt cho nguyên tắc thứ 3 đang được đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật, đó là “phục vụ đắc lực cho việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và xây dựng các pháp luật”.
Quy định rõ phạm vi, quy trình, thủ tục giám sát với cá nhân ĐBQH
Dự thảo Luật cũng quy định, Đoàn ĐBQH tạo điều kiện cho ĐBQH tiến hành giám sát. Tuy nhiên, theo ĐBQH Trình Lam Sinh (An Giang), thực tế gần như không có hoạt động giám sát này, vì đại biểu không thể tự mình đi giám sát và thiếu các điều kiện bảo đảm… Vì vậy, đây vẫn là một nội dung còn có vướng mắc. “ĐBQH là chuyên gia hay các ĐBQH ở Trung ương còn có bộ máy và có sự phối hợp của các chuyên gia thì mới làm được, còn đại biểu ở địa phương vừa kiêm nhiệm, không có đủ điều kiện... thì việc tự tiến hành giám sát là rất khó”.
Nêu vấn đề trên, đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị, đối với giám sát của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, ĐBQH nên có sự phân cấp về trình tự, thủ tục, năng lực, chất lượng, hiệu quả của vấn đề giám sát.
Qua theo dõi hoạt động Quốc hội, ĐBQH Siu Hương (Gia Lai) nhận thấy, hoạt động giám sát ngày càng đổi mới và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đời sống xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng có những hạn chế, như hoạt động tự giám sát của ĐBQH chưa được như mong muốn.
Qua nghiên cứu báo cáo tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND cho thấy, chúng ta đang thiếu cơ chế hỗ trợ hoạt động giám sát của ĐBQH, đồng thời cũng chưa quy định rõ phạm vi giám sát của cá nhân ĐBQH, đại biểu Siu Hương lưu ý.
Để phát huy được vai trò chủ thể giám sát là cá nhân ĐBQH, cũng như cá nhân đại biểu HĐND, đại biểu Siu Hương đề nghị, nên có quy định rõ về phạm vi giám sát, quy trình, thủ tục cụ thể đối với cá nhân đại biểu tự tiến hành giám sát, nhằm giúp ĐBQH và đại biểu HĐND phát huy được vai trò của mình.