Bổ sung quy định thanh toán dịch vụ cấp cứu ngoại viện
Theo ĐBQH Trần Thị Nhị Hà, về phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, Quỹ Bảo hiểm y tế hiện chưa thanh toán cho các dịch vụ có tính chất dự phòng và sàng lọc. Các bệnh như ung thư, tăng huyết áp và đái tháo đường hiện đang chiếm tỷ lệ rất lớn trong chi phí điều trị. Theo các nghiên cứu, nếu phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp chi phí điều trị chỉ khoảng 5 triệu đồng 1 năm, trong khi điều trị biến chứng muộn có thể lên tới 92 triệu đồng 1 năm. Tuy nhiên, các dịch vụ dự phòng này vẫn chưa được bảo hiểm y tế chi trả, gây lãng phí tiềm năng phòng ngừa bệnh tật của hệ thống y tế. "Kiến nghị bổ sung Điểm 1 Khoản 1 Điều 21 phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế cho danh mục dự phòng sàng lọc định kỳ, Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể danh mục bệnh, tần suất, khung giá các dịch vụ này", đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất.
Về thanh toán chi phí vận chuyển và cấp cứu ngoại viện, theo quy định tại dự thảo luật, chỉ có một số nhóm đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế mới được thanh toán chi phí vận chuyển trong trường hợp cấp cứu hoặc chuyển viện, như vậy đã tạo ra sự thiếu công bằng cho các đối tượng còn lại. Ngoài ra, quỹ bảo hiểm vẫn chưa chi trả cho dịch vụ cấp cứu ngoại viện. Tuy nhiên, theo phân tích của đại biểu thì điều này chưa hợp lý bởi những lý do sau. Trước hết, nếu cấp cứu ngoại viện đã được quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh bởi đây là nhu cầu cấp thiết và quan trọng, giúp can thiệp kịp thời và cứu sống người bệnh ở trong những tình huống khẩn cấp. Ở nhiều quốc gia, quyền được tiếp cận cấp cứu ngoại viện là một trong những quyền hiến định. Trong khi đó, về chuyên môn, cấp cứu trong thời điểm vàng giúp giảm nguy cơ bệnh nhân chuyển nặng, nguy cơ biến chứng và tiết kiệm chi phí điều trị lâu dài, cũng chính là giảm gánh nặng cho bảo hiểm y tế.
"Tôi kiến nghị phạm vi thanh toán Khoản 1 Điều 21, mọi đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế đều được thanh toán chi phí vận chuyển trong trường hợp cần thiết và bổ sung quy định thanh toán dịch vụ cấp cứu ngoại viện", ĐBQH Trần Thị Nhị Hà nêu quan điểm.
Về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà cho biết: theo dự thảo luật, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu cũng tổ chức đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, nội dung này đang mâu thuẫn với chính Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định "cấp chuyên sâu thực hiện nhiệm vụ điều trị khám, chữa bệnh chuyên sâu; đào tạo, thực hành chuyên sâu, chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu trong khám bệnh, chữa bệnh". Dự thảo Luật sử dụng các cụm từ "căn cứ yêu cầu thực tiễn" hay cụm từ "được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ" là những quy định có tính tùy nghi, không rõ ràng, có thể dẫn đến tình trạng xin - cho. Do vậy, đại biểu kiến nghị sửa nội dung này theo hướng: "việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu do cơ quan có thẩm quyền quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phong, lao, tâm thần và bảo vệ sức khỏe cán bộ".
Tăng cường hiệu quả sử dụng quỹ khám, chữa bệnh
Đối với việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà cho rằng: Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định cụ thể giá khám bệnh, chữa bệnh bao gồm giá thành toàn bộ tích lũy hoặc lợi nhuận dự kiến và các nghĩa vụ tài chính khác. Đồng thời, Bộ Y tế cũng vừa ban hành Thông tư 21 quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp chi phí đúng với quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, tại Khoản 1 Điều 30 của Dự thảo Luật lại quy định thanh toán theo giá dịch vụ là thanh toán các chi phí trực tiếp, còn lại rất nhiều chi phí và yếu tố cấu thành giá đã được nêu tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh lại chưa có trong luật này.
Liên quan đến nội dung này, đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị theo 2 phương án. Phương án một, sửa đổi dự thảo theo hướng đồng bộ quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, việc này sẽ dẫn tới giá bảo hiểm y tế sẽ tăng, dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho Quỹ khám chữa bệnh. "Vì vậy, ngay trong dự thảo phải có các chính sách để cân đối quỹ như bổ sung nguồn quỹ, tăng cường hiệu quả sử dụng quỹ, quy định đồng chi trả và liên thông các dữ liệu lâm sàng và cận lâm sàng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh", ĐBQH Trần Thị Nhị Hà đề xuất.
Phương án hai, thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế định suất theo nhóm chẩn đoán, trên cơ sở đó, Bộ Y tế ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thống nhất chung trên toàn quốc; đồng thời, thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Theo đánh giá của đại biểu, đây là điểm mới đáng ghi nhận của dự thảo, mở thêm cơ chế thanh toán cho việc điều chuyển thuốc, thiết bị y tế giữa các cơ sở khi xảy ra tình trạng thiếu hụt. Tuy nhiên, điều kiện thanh toán này quá phức tạp, để được thanh toán, các cơ sở y tế phải đáp ứng đồng thời tất cả các điều kiện được quy định tại Điểm a, b và c.
"Điều này trên thực tế sẽ tạo ra rào cản khiến cơ chế này dù mở ra nhưng lại khó thực hiện có hiệu quả. Mặt khác, dự thảo cũng chưa quy định cơ quan chịu trách nhiệm điều phối bởi thực tế hiện nay đang thiếu thông tin về số lượng thuốc, thiết bị tồn kho và tình trạng thiếu hụt tại từng cơ sở", đại biểu Trần Thị Nhị Hà đánh giá.
Vì vậy, theo kiến nghị của đại biểu về điều kiện thanh toán cần bổ sung nội dung mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong một năm không được xin điều chuyển quá 10% tổng số tiền mua thuốc và không được vượt quá 10% tổng số tiền mua thiết bị y tế để hạn chế trường hợp một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xin điều chuyển nhiều nơi, nhiều mặt hàng và tăng cường trách nhiệm trong việc mua sắm của Thủ trưởng các đơn vị y tế. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm điều phối và quy định về việc cập nhật trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tình hình mua sắm, sử dụng tồn kho thuốc, thiết bị y tế tại các cơ sở y tế, đảm bảo điều chuyển hiệu quả và minh bạch.