Cắt cơn nghiện dầu mỏ
Ảrập Xêút hiện có sản lượng khai thác dầu khoảng 8,7 triệu thùng/ngày. Đây là nguồn thu nhập chính của quốc gia này, chiếm 75% thu ngân sách và 90% giá trị xuất khẩu. Hiện nay Ảrập Xêút là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất và giữ vai trò chủ chốt trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Tuy nhiên, dầu mỏ là nguồn tài nguyên hữu hạn, vì vậy Ảrập Xêút đang nỗ lực chuyển mình khỏi sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên này. Giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên dầu mỏ là một trong những mục tiêu quan trọng nhất mà nước này đề ra từ những năm 70 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này không ổn định và vẫn phụ thuộc phần lớn vào giá dầu. Việc giá dầu thô giảm, đặc biệt là sau vụ giá dầu thô giảm mạnh từ mức đỉnh điểm hơn 100 USD/thùng hồi giữa năm 2014 xuống mức thấp nhất trong tháng 1.2016; và xu hướng sử dụng nhiên liệu tái tạo tăng mạnh trong thời gian gần đây đã buộc Ảrập Xêút phải đẩy nhanh việc chuẩn bị cho kỷ nguyên hậu dầu mỏ. Kế hoạch Tầm nhìn 2030 đã ra đời trong bối cảnh đó với mục tiêu là trong chưa đầy 15 năm nữa, Ảrập Xêút "không phải bận tâm, ngay cả khi giá dầu bằng 0" như khẳng định của một quan chức cấp cao trong Chính phủ.
Ông Khaled al-Bobaish, Thành viên Ủy ban Truyền thông kinh tế Ảrập Xêút nói: "Tầm nhìn 2030 không chỉ về tái cấu trúc nền kinh tế, mà còn về sự chuyển đổi xã hội và văn hóa, với việc chú trọng vào các ngành công nghiệp mới, bao gồm giải trí và du lịch".
Sức mạnh của dầu mỏ đã mang lại sự thịnh vượng cho Ảrập Xêút nhưng việc dựa quá nhiều vào dầu mỏ đã kìm hãm nhiều tiềm năng của đất nước này. Cắt "cơn nghiện" dầu mỏ như cách nói của Thái tử Ảrập Xêút Mohamed Bin Salman là điều cần phải làm hiện nay.
Những mục tiêu tham vọng
Được giới thiệu lần đầu tiên vào tháng 4.2016 bởi vị Thái tử trẻ tuổi Mohammad bin Salman, người đồng thời là Bộ trưởng Quốc phòng kiêm người đứng đầu Hội đồng Các vấn đề Kinh tế và Phát triển, Tầm nhìn 2030 có ba trụ cột chính: biến đất nước trở thành "trái tim của thế giới Ảrập và Hồi giáo", trở thành cường quốc đầu tư toàn cầu và biến vị trí của đất nước thành một trung tâm kết nối Á - Âu.
Trọng tâm của Tầm nhìn 2030 dài 84 trang là việc thành lập Quỹ Đầu tư công trị giá ít nhất 2.000 tỷ USD vào năm 2030 thông qua việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty dầu mỏ quốc doanh lớn nhất thế giới Saudi Aramco. Aramco hiện có trị giá hàng nghìn tỷ USD và chiếm gần 12% tổng sản lượng khai thác dầu của thế giới. Tầm nhìn 2030 được kỳ vọng sẽ tăng sáu lần doanh thu từ các hoạt động phi dầu mỏ từ 43,5 tỷ USD lên 267 tỷ USD.
Ngoài ra, Ảrập Xêút cũng đặt mục tiêu tăng mức đóng góp của lĩnh vực tư nhân trong GDP từ 40 - 60% vào năm 2030, đặc biệt đóng góp vào nền kinh tế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) được nâng từ 20% lên 35%, đồng thời giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng tỷ lệ lao động nữ trong lực lượng lao động.
Thông qua các cải cách kinh tế sâu rộng, Ảrập Xêút hy vọng tăng thu ngân sách thêm 100 tỷ USD mỗi năm; giảm tỷ trọng đóng góp vào ngân sách của dầu mỏ từ khoảng 80% hiện nay xuống còn 16% vào năm 2030, đồng thời tái cấu trúc các chính sách trợ cấp để tiết kiệm khoảng 30 tỷ USD/năm.
Theo Tầm nhìn, Ảrập Xêút sẽ đưa tỷ lệ thất nghiệp từ 11,6% xuống 7%. Lĩnh vực bán lẻ được coi là một trong những động lực thúc đẩy việc làm. Du lịch tôn giáo cũng là một nguồn doanh thu quan trọng đối với Ảrập Xêút, do đó kế hoạch cải tổ kinh tế sẽ thu hút 30 triệu khách hành hương vào năm 2030.
Một số dự án trọng điểm
Để hiện thực hóa các mục tiêu, Tầm nhìn 2030 phát triển các dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng vô cùng tham vọng. Chẳng hạn, dự án Công viên King Salman là khu đô thị và công viên công cộng quy mô tới 13,4km2 (5,1 dặm vuông). Đây dự kiến sẽ là công viên thành phố lớn nhất trên thế giới, lớn gấp 5 lần so với Hyde Park ở London và 4 lần kích thước của New York Central Park.
Công viên King Salman là một trong bốn sáng kiến được đưa vào năm 2019, nhằm thực hiện các mục tiêu Tầm nhìn 2030, cùng với Đại lộ Thể thao Green Riyadh (trồng 7,5 triệu cây xanh) và Riyadh Art (1.000 dự án nghệ thuật công cộng), Công viên sẽ bổ sung không gian xanh đáng kể cho thủ đô của Ảrập Xêút, nơi trước đây có ít không gian xanh trên đầu người hơn các thành phố khác trên thế giới.
Ngoài ra, dự án này còn góp phần thúc đẩy hành động chống biến đổi khí hậu và cung cấp tới 70.000 việc làm mới. Chính phủ hy vọng dự án sẽ “cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân, biến thành phố thành một điểm đến hấp dẫn và biến nó thành một trong những thành phố đáng sống nhất thế giới.
Dự án lớn nhất của Tầm nhìn 2030 là kế hoạch xây dựng siêu thành phố NEOM trị giá 500 tỷ USD vốn nhà nước (chưa kể vốn kêu gọi đầu tư) với mục tiêu tạo ra một môi trường sống chưa từng có với công nghệ tiên tiến nhất thế giới, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo. “Dự án này không dành cho các nhà đầu tư thông thường. Đây là nơi dành cho những người có ước mơ trên thế giới" - Thái tử Mohamed Bin Salman - cho biết.