Không phải đến nay, việc “cài cắm” lợi ích trong quá trình xây dựng pháp luật mới được đề cập đến. Còn nhớ, tại Kỳ họp thứ 11, QH Khóa XIII, một số ĐBQH đã băn khoăn về tính thực tế của các chính sách pháp luật. Như ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh): Lợi ích nhóm là vấn đề được nêu ra ở rất nhiều hội nghị, đưa vào nghị quyết nhưng vẫn chưa tìm ra “nó” đang ở đâu. Vậy các nhà làm chính sách có nhận diện được lợi ích nhóm khi làm luật hay không?
Hay như trả lời chất vấn của ĐBQH tại một phiên họp của UBTVQH Khóa XIII về việc có tham nhũng trong xây dựng chính sách hay không, vì thực tế có nhiều văn bản của các cơ quan mâu thuẫn, “đá nhau” để bảo vệ quyền lợi, lợi ích của mỗi bên và giải pháp nào ngăn chặn tình trạng này. Trả lời câu hỏi này, ông Hà Hùng Cường, khi đó là Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, quy trình xây dựng văn bản pháp luật rất đầy đủ, chặt chẽ, qua nhiều tầng nấc... Tuy nhiên cũng không loại trừ có trường hợp, có quy định còn có thể có sơ hở. Trong thực tế, nhưng rất khó phát hiện. Về vấn đề lobby, chạy chính sách, dù ở các nước là rất phổ biến, nhưng ở nước ta thì hãn hữu, khó…
Và mới đây nhất, tại Phiên họp thứ 4 của UBTVQH Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thẳng thắn: Dù đi họp để góp ý luật nhưng các bộ, ngành chỉ chăm chăm xem lợi ích có bị ảnh hưởng hay không…
Vậy là đã rõ. Có tình trạng lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách pháp luật. Một số thành viên Chính phủ cũng đã biết, đã nghe, đã thấy được việc này ngay trong thực tiễn hoạt động của ngành mình. Nhưng nói thì dễ, cái khó vẫn là xử lý như thế nào bởi việc cài cắm lợi ích trong xây dựng luật không thể định lượng, định tính một cách cụ thể, rõ ràng. Càng không thể ngay lập tức có thể “nhìn” thấy được mà phải áp dụng trong thực tiễn mới “phát lộ”. Vậy nên mới có chuyện luật vừa có hiệu lực thi hành một thời gian ngắn đã phải sửa đổi hoặc có luật nhưng không được thực thi và thực thi không nghiêm túc. Căn nguyên của tình trạng này, một phần bắt nguồn từ lợi ích nhóm: Cơ quan nào cũng muốn phần hơn, phần dễ, phần thuận lợi; cơ quan nào cũng muốn phục vụ lợi ích của mình hoặc nhóm đối tượng chịu sự quản lý của mình, bỏ mặc “lỗ hổng” cho các cơ quan khác.
Mục đích của xây dựng luật pháp là hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo lập môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; ngăn ngừa và xử lý các hành vi vi phạm một cách công khai, công bằng và nghiêm minh. Muốn vậy, ngay trong quá trình xây dựng luật, các cơ quan chức năng phải sòng phẳng, rõ ràng là vì lợi ích của toàn xã hội chứ không phải chỉ vì lợi ích của mình hoặc “dễ thì tôi, khó thì anh”.
Đã đến lúc các bộ, ngành cần thành lập cơ quan, đơn vị xây dựng, thẩm định và phản biện chính sách độc lập với bộ máy thực thi - như ý kiến của một số chuyên gia, nhằm giải quyết triệt để tình trạng này chứ không phải chỉ nhận diện rồi để đó.