Bổ sung biện pháp huy động nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo
So với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Sáu, dự thảo luật mới nhất đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quán triệt và cụ thể hoá các quan điểm, chủ trương tại các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô Hà Nội. Các nội dung tiếp thu, chỉnh lý cũng đã bám sát 9 nhóm chính sách mà Chính phủ trình Quốc hội khi đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:Đã đủ cơ sở lý luận, thực tiễn để bỏ khái niệm "Vùng Thủ đô"?
Có Thủ đô thì phải có vùng Thủ đô, bây giờ lại bỏ khái niệm "vùng Thủ đô" đi và chỉ nói là liên kết vùng thì vấn đề này phải lý giải một cách đầy đủ, thuyết phục, có cơ sở khoa học hơn. Điều này còn liên quan đến việc định hướng hoàn thiện Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, các cơ quan của Chính phủ phải nghiên cứu thêm vấn đề này. Tôi thấy chỗ này vẫn chênh vênh, chưa đủ độ chín.
Nguyên tắc của Trung ương đã nói rõ: việc gì đủ chín, đủ rõ thì quy định thành luật, việc gì chưa rõ thì phải nghiên cứu kỹ lưỡng, việc gì cấp thiết thì có thể thí điểm. Lần này, dự thảo luật tiếp cận rất đơn giản là bỏ khái niệm "vùng Thủ đô" mà chỉ nói đến liên kết vùng thì cần phải rà soát, nghiên cứu và giải thích kỹ lưỡng với Quốc hội. Cá nhân tôi nếu bấm nút chỗ này thì cũng thấy chưa thuyết phục. Thủ đô thì có vùng Thủ đô là chuyện bình thường, nói đến Thủ đô là nói đến vấn đề về quy hoạch đô thị nhiều hơn, tức là vùng Thủ đô, còn nói đến liên kết vùng là nói đến tổng thể như hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội... Đã đủ cơ sở lý luận, thực tiễn và pháp lý để bỏ khái niệm vùng Thủ đô đi chưa? Chỗ này phải tính thêm.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật cũng đã tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan thẩm tra, các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ, triệt để cho chính quyền TP. Hà Nội, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật.
Liên quan đến các biện pháp, giải pháp thu hút, huy động nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung, biện pháp cụ thể nhằm thu hút, huy động nguồn lực xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển Thủ đô.
Theo đó, dự thảo luật cho phép cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn TP. Hà Nội được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thuộc quyền sở hữu trí tuệ của chính cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu đó (doanh nghiệp khởi nguồn). Viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp khởi nguồn khi được sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu (khoản 4, Điều 23). Bổ sung, làm rõ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát theo hướng TP. Hà Nội có thẩm quyền cho phép tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới khi đáp ứng các điều kiện nhất định (Điều 25).
Dự thảo luật cũng mở rộng các lĩnh vực mà HĐND TP. Hà Nội được quy định mức tiền phạt cao hơn và áp dụng trên địa bàn toàn thành phố, không phân biệt nội thành hay ngoại thành (khoản 2 Điều 33)…; bổ sung, làm rõ hơn một số chính sách huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho TP. Hà Nội như ngân sách trung ương (NSTW) trích 30% của số tăng thu để thưởng cho ngân sách thành phố…; cho phép TP. Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng NSNN để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của thành phố nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ (Điều 36).
Dự thảo Luật cũng bổ sung và làm rõ hơn cơ chế cho Hà Nội thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Điều 39); xác định rõ cơ chế, phạm vi của cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp trong việc quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng thông qua việc nhượng quyền kinh doanh, quản lý và cho thuê, liên doanh, liên kết (Điều 41).
Cần quy định rõ hơn cơ chế thử nghiệm có kiểm soát
Quan tâm đến quy định cho phép cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn thành phố được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thuộc quyền sở hữu trí tuệ của chính cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu vấn đề, quy định này áp dụng đối với cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu công lập hay tất cả cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu?
“Nếu là tư nhân thì việc thành lập là chuyện bình thường. Chúng ta đang nói đến công lập, công lập thì phải nói là công lập”. Lưu ý vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã nêu vấn đề này. Việc quy định nội dung trên trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 19-NQ/TW, nhưng, "nói chuyện doanh nghiệp khởi nguồn thì lại rất ngại vì thực tế đây là thuật ngữ chưa có trong hệ thống pháp luật. “Start-up” thì có doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng “khởi nguồn” thì chưa có. Luật Doanh nghiệp chưa có định nghĩa doanh nghiệp nào gọi là doanh nghiệp khởi nguồn… Do đó, cần tính toán thêm, không nên dùng thuật ngữ doanh nghiệp khởi nguồn", Chủ tịch Quốc hội nói.
Quan tâm đến cơ chế thử nghiệm có kiểm soát được quy định tại Điều 25 dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cũng nhấn mạnh, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tiên phong trong việc này, nhằm phát huy được các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới, từ đó, góp phần tạo sự bứt phá trong phát triển. Cho rằng, Hà Nội rất có lợi thế trong lĩnh vực này và cơ bản nhất trí với quy định tại Điều 25, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng nhận thấy, dự thảo luật chưa quy định rõ việc kết thúc quá trình thử nghiệm thì như thế nào trong khi đây là việc rất quan trọng.
"Khi kết thúc một quá trình thử nghiệm thì sẽ có mấy trường hợp: cơ quan quản lý phải ban hành văn bản cho phép mở rộng áp dụng rộng rãi hoặc cấm, dừng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh được thử nghiệm". Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị, dự thảo luật cần thể hiện cụ thể hơn theo hướng: Kết thúc quá trình thử nghiệm thì UBND TP. Hà Nội hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý phải ban hành một số văn bản về việc cho phép áp dụng rộng rãi hay chấm dứt thử nghiệm và trách nhiệm của các chủ thể, tổ chức, cá nhân tham gia quá trình thử nghiệm.
Cũng liên quan đến vấn đề thử nghiệm có kiểm soát tại Điều 25, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị, nên cân nhắc không nên mở rộng quá nhiều các lĩnh vực mà nên "khu trú" vào một số lĩnh vực đã được Chính phủ cân nhắc. Lý do theo Bộ trưởng là bởi cơ chế thử nghiệm đương nhiên là có kiểm soát nhưng rủi ro pháp lý và trên thực tế về mặt kinh phí cũng rất nhiều.