ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội):
Xử lý nghiêm lối tư duy nhiệm kỳ
Thời gian qua, trong lĩnh vực quản lý đất đai, bên cạnh rất nhiều kết quả đạt được, thì chúng ta cũng đang đối mặt với rất nhiều thách thức, hiệu quả sử dụng đất chưa cao. Trong giai đoạn vừa qua, xét dưới góc độ số thu ngân sách liên tục tăng. Tuy nhiên, về căn bản số tăng thu là từ thị trường sơ cấp, 67% là tiền sử dụng đất, hơn 15% là tiền thuê đất và số thu tăng thêm từ đầu tư trên đất không tăng cao. Lãng phí đất đai cũng là một trong những thực trạng đang nhức nhối. Theo báo cáo của Bộ Tài chính thì hiện nay trên phạm vi toàn quốc có 743.786.825m2 đất đang để hoang hóa, sử dụng sai mục đích. Tuy nhiên, số tiền thu được rất thấp, chỉ có 286 tỷ đồng. Hiện nay, chỉ qua giám sát tại 7 địa phương thì đã có đến 1.739 dự án được coi là dự án treo, tương ứng với hơn 12.000ha đất.
Về nguyên nhân, có nguyên nhân của hệ thống pháp luật và chúng ta sẽ bàn về vấn đề này khi thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ở đây, tôi chỉ đề cập đến khía cạnh trách nhiệm quản lý nhà nước, có một thực tế, đó là lối tư duy nhiệm kỳ là một trong những nguyên nhân dẫn đến lãng phí đất đai rất lớn.
Qua giám sát, bên cạnh rất nhiều địa phương đang tích cực thu hồi những diện tích đất hoang hóa thì vẫn còn những địa phương cứ sau mỗi một nhiệm kỳ thì số lượng các dự án treo lại tăng thêm. Và, có tình trạng lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân từ đất đai. Theo Báo cáo số 599 của Kiểm toán Nhà nước, thì có biểu hiện lợi ích nhóm ở một số địa phương, vi phạm pháp luật về đấu thầu giao đất không qua đấu giá. Cùng với đó là trách nhiệm của bộ máy công quyền trong một số trường hợp chưa cao, bên cạnh rất nhiều con người ngày đêm cống hiến, thì còn một bộ phận thờ ơ, thiếu trách nhiệm. Hiện nay, việc giải quyết những vướng mắc về đất đai không chỉ là trách nhiệm của địa phương mà có trách nhiệm của rất nhiều bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, khi có vướng mắc, các địa phương gửi văn bản đề nghị làm rõ ý kiến đối với các bộ, ngành thì câu trả lời từ phía các bộ, ngành là cứ thực hiện theo quy định của pháp luật... Bên cạnh đó, đúng như nhiều đại biểu đã nêu là còn tâm lý e dè, lo lắng, sợ trách nhiệm - điều này tạo sức ỳ rất lớn, một sự trì trệ trong cơ quan công quyền.
Dưới giác độ của người dân, thì người dân vẫn luôn mong rằng chính quyền cần quyết liệt hơn nữa trong xử lý các vướng mắc về đất đai. Theo đó, cần đưa ra lộ trình, thời hạn cụ thể và điều này cần được nghị quyết hóa, bởi đó là thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan công quyền.
Về thể chế, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và hiện đang có rất nhiều tư tưởng, vấn đề mới, ý tưởng mới được đưa ra. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng cần có trọng tâm, trọng điểm và chỉ cần chúng ta giải quyết được những vướng mắc, bức xúc đang đặt ra đã là một thành công quá lớn.
Về trách nhiệm, cần xử lý nghiêm đối với lối tư duy nhiệm kỳ, đề cao trách nhiệm, nhưng cũng rất cần một cơ chế minh bạch, ranh giới giữa đúng - sai phải rõ ràng, để tạo công cụ bảo vệ những người trong bộ máy công quyền, để không tạo một tâm lý e dè, lo lắng, khơi thông tư tưởng, có như vậy thì hiệu quả quản lý nhà nước mới không đi xuống. Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm giám sát để bảo đảm không lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân.
ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa):
Việc triển khai một số chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm
Năm 2022, bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta gặp không ít khó khăn, thử thách khó lường. Những khó khăn đó đã ảnh hưởng rất lớn tới tình hình sản xuất, đời sống của người dân và doanh nghiệp cũng như việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, sự nỗ lực, cố gắng của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, phấn đấu vươn lên đạt được nhiều thành tích, kết quả nổi bật...
Về Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 về Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Các bộ, ngành đã khẩn trương tham mưu, ban hành các văn bản như nghị định của Chính phủ, thông tư, quyết định, văn bản hướng dẫn để thực hiện cụ thể hóa các chủ trương, chính sách... Việc thực hiện các chính sách của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã có tác dụng rất lớn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vươn lên phục hồi sản xuất, kinh doanh và có đóng góp trở lại rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, cũng còn một số tồn tại, một số chính sách triển khai còn chậm, như chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đến nay mới chỉ giải ngân được trên 13,5 tỷ đồng, bằng 0,03% so với tổng số vốn của Chương trình. Việc thực hiện chính sách đầu tư phát triển còn chậm, đặc biệt là chính sách đầu tư cho y tế, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo sớm hoàn thiện tất cả các văn bản còn lại để hướng dẫn thực hiện chương trình. Chú trọng kịp thời tháo gỡ khó khăn cho việc triển khai thực hiện các dự án, nhất là thủ tục hành chính trong việc chuẩn bị đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, biến động giá cả vật liệu. Rà soát lại các chính sách xem chính sách nào chậm triển khai, khó đi vào cuộc sống, thì cần xem xét điều chỉnh sang chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển khác cho phù hợp.
ĐBQH Phan Viết Lượng (Bình Phước):
Sớm triển khai xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa
Về phát triển văn hóa, 10 tháng năm nay, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Phát triển văn hóa chưa tương xứng, ngang hàng với phát triển kinh tế. Tổ chức bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động của ngành văn hóa còn một số bất cập, hạn chế.
Trong giai đoạn trước, đầu tư cho văn hóa chủ yếu được thực hiện thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Sau khi chương trình này kết thúc năm 2015, nguồn lực đầu tư cho văn hóa chủ yếu qua kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn kinh phí sự nghiệp hằng năm, nhưng luôn ở mức thấp. Trong khi đó, năm 2022, Chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 và các dự án thành phần về văn hóa thuộc 02 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đã được Chính phủ phê duyệt với số kinh phí hạn chế, nhưng đến nay chưa được giao dự toán, cấp vốn thực hiện, hoặc chưa được giải ngân. Những khó khăn về nguồn lực đầu tư, đã ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp phát triển văn hóa, dẫn đến nhiều di sản, di tích văn hóa - lịch sử bị mai một, xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
Để phát triển văn hóa, nâng cao mức thụ hưởng văn hóa của Nhân dân, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chiến lược, chương trình đã ban hành, trong đó cần ưu tiên các chính sách, giải pháp xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật; xây dựng môi trường, con người văn hóa và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Sớm triển khai xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa theo Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 ngày 18.8.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.