Mục tiêu phải phù hợp với nguồn lực và khả năng thực thi
Các ĐBQH bày tỏ sự thống nhất cao với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, góp phần kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm về tệ nạn ma túy, hướng tới giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy; tổ chức phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về ma túy từ sớm, từ xa.
Một số đại biểu còn băn khoăn về tính khả thi của các chỉ tiêu trong dự thảo Nghị quyết. Theo ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh), về chỉ tiêu phấn đấu phát hiện, triệt phá 100% các điểm phức tạp về ma túy và các đối tượng bán lẻ, mục tiêu này có phần quá cao và khó đạt được, đặc biệt là trong bối cảnh các điểm và đối tượng ma túy ngày càng tinh vi, dễ di chuyển. Tỷ lệ gần 100% là rất khó thực hiện trừ khi có sự phối hợp thật tốt, thật chặt chẽ, liên ngành hiệu quả và cải thiện đáng kể công nghệ, phương tiện hỗ trợ.
Hay chỉ tiêu trên 70% lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đại biểu cho rằng, việc ứng dụng công nghệ hết sức cần thiết để theo dõi, phát hiện và xử lý tội phạm ma túy. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là phải đảm bảo nguồn ngân sách và có lộ trình cụ thể để đạt được tỷ lệ này.
Về nhóm chỉ tiêu giảm cầu, đại biểu Thạch Phước Bình cho biết, việc kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện dưới 1% mỗi năm là mục tiêu có thể khó thực hiện bởi sự phức tạp trong kiểm soát và quản lý số lượng người nghiện. Tỷ lệ này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố xã hội và kinh tế, không chỉ công tác cai nghiện và pháp lý. "Một tỷ lệ thực tế hơn sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan điều chỉnh phương pháp tiếp cận một cách phù hợp nhất", đại biểu nói.
Chỉ tiêu trên 80% trạm y tế cấp xã và 100% cơ sở cai nghiện công lập đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện cũng cần được xem xét lại, nhất là trong bối cảnh cơ sở vật chất của y tế cơ sở chưa đảm bảo, tính khả thi lại phụ thuộc vào ngân sách hỗ trợ trong việc nâng cấp cơ sở vật chất và đào tạo nhân sự, đại biểu Thạch Phước Bình chỉ ra.
ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, Chương trình đặt ra 3 mục tiêu chính là giảm cung ma túy, giảm cầu ma túy và giảm tác hại do ma túy gây ra, cùng với 20 chỉ tiêu cụ thể. Tuy nhiên, trong các chỉ tiêu này, có những chỉ tiêu còn chưa rõ và gây băn khoăn, như tăng trên 3% số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ toàn quốc, bởi lẽ tăng số vụ được phát hiện và bắt giữ thì chưa chắc giảm, vì vừa qua có vụ bắt cả hàng tấn ma túy. Do đó, đề nghị cần xem xét.
“Về chỉ tiêu 100% diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy phát hiện được triệt phá. Như vậy, chưa bảo đảm giảm cung mà cần cấm không được trồng”, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nói.
Đại biểu cũng đặt câu hỏi về tính khả thi khi chúng ta đang phải đối diện với thách thức về ngân sách và nguồn lực. Hiện nay, các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc chưa có đủ điểm tiếp nhận và tư vấn cai nghiện đạt chuẩn theo quy định. Chưa kể đến nguồn lực chuyên môn, nhân lực chuyên trách.
Việc đặt ra chỉ tiêu mà không có sự bảo đảm về điều kiện thực hiện có thể làm giảm hiệu quả của Chương trình, vì vậy, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Chính phủ cân nhắc đặt ra các mục tiêu cần phải phù hợp với nguồn lực và khả năng thực thi.
Sử dụng ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích
Liên quan đến quy mô và nguồn lực thực hiện Chương trình, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nêu rõ, tổng vốn thực hiện chương trình là 22.450 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương dự kiến cho chương trình là 17.725 tỷ đồng cùng với 4.674 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Đây là một khoản đầu tư lớn, nhưng so với các chương trình mục tiêu quốc gia khác, con số này khá khiêm tốn.
Đại biểu cũng lưu ý, đối với dự án nâng cao hiệu quả phòng, chống ma túy tại cơ sở, cần khoảng 4.728 tỷ đồng để phân bổ cho các xã có người nghiện ma túy. Khoản chi này là cần thiết để huy động người dân, hệ thống chính trị tại địa phương cùng tham gia phòng, chống ma túy, nhưng lại chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế.
Bên cạnh đó, cơ chế phân bổ cho các địa phương khó khăn, trọng điểm về ma túy cũng chưa rõ ràng, dễ dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giữa các địa phương, gây khó khăn trong công tác triển khai và tổ chức thực hiện Chương trình này.
Để bảo đảm hiệu quả của nguồn vốn, đại biểu đề nghị, Chính phủ cân nhắc cơ chế đặc thù trong phân bổ ngân sách cho các địa phương khó khăn, có tính chất phức tạp về ma túy và xem xét khả năng huy động thêm các nguồn lực hợp pháp khác để tham gia thực hiện Chương trình.
ĐBQH Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình) cũng cho rằng, tổng số vốn đầu tư của Chương trình 22.450 tỷ đồng là hơi thấp. Do vậy, đề nghị nguồn ngân sách trung ương và nhất là kinh phí cho các dự án, tiểu dự án cần phải tăng cho các bộ, ngành chủ trì như Bộ Y tế để triển khai rất nhiều hoạt động chuyên môn y tế liên quan đến phòng, chống ma túy. Lưu ý đến Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy trong cộng đồng. Đồng thời, có thể xem xét điều chỉnh tăng kinh phí khi sơ kết Chương trình.
Giải trình trước Quốc hội về lo ngại của các đại biểu đối với chỉ tiêu cao, thậm chí tuyệt đối 100% là khó khả thi, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nêu rõ, trong quá trình xây dựng, cơ quan chủ trì đã cùng với các bộ, ban, ngành nghiên cứu, phân tích, đồng thời đánh giá rất kỹ lưỡng các chỉ tiêu này và trên cơ sở thực tiễn của công tác đấu tranh phòng, chống ma túy thời gian qua. "Quan điểm của chúng tôi, đây là chỉ tiêu mang tính nguyên tắc và bắt buộc phải thực hiện, có tính khả thi", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về nguồn vốn thực hiện Chương trình, Bộ trưởng khẳng định, đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan, "đã rà soát, tính toán từng nội dung, từng nhiệm vụ, tập trung đề xuất bố trí nguồn lực để giải quyết những vấn đề cấp bách, những vấn đề trước mắt, đảm bảo sử dụng ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, tránh dàn trải”.