Gửi yêu cầu chất vấn
Thông thường, thủ tục chất vấn được bắt đầu bằng yêu cầu chất vấn. Yêu cầu chất vấn thường mang tính cá nhân, tức là việc yêu cầu chất vấn thường xuất phát từ cá nhân hoặc một nhóm nghị sĩ gửi cho Chủ tịch Nghị viện để chuyển tới Thủ tướng, hoặc thành viên của Chính phủ chứ không phải mang tính toàn viện. Thông thường, các yêu cầu chất vấn là do một nghị sĩ nào đó trong Nghị viện đặt ra và có liên quan trực tiếp đến hoạt động của một bộ, hay việc thi hành một chính sách nào đó của Chính phủ.
Theo Nội quy của nhiều nước, các yêu cầu chất vấn phải ghi rõ các vấn đề chất vấn và tên cụ thể của người bị chất vấn. Ngoài ra, nhằm tránh những yêu cầu chất vấn không thỏa đáng, Nghị viện nhiều nước còn quy định các yêu cầu chất vấn phải thu nhận được một lượng nhất định các chữ ký đồng tình của nghị sĩ. Chẳng hạn, Điều 153, Nội quy Quốc hội Cộng hòa Pháp quy định các yêu cầu chất vấn, hoặc yêu cầu khiển trách của nghị sĩ đối với Chính phủ phải thu nhận được số chữ ký của ít nhất một phần mười tổng số thành viên của Nghị viện. Một khảo sát khác của IPU cho biết, ở 15 trong số 45 Nghị viện có hình thức giám sát này, phải có một số lượng nghị sĩ nhất định (ví dụ 5% như ở Hạ viện Đức) hoặc một nhóm đảng mới có quyền khởi xướng chất vấn; số lượng này có thể là 5 nghị sĩ ở nước này, cũng có thể là 1/3 tổng số nghị sĩ ở nước khác. Ở 30 nước còn lại, cá nhân nghị sĩ được quyền nêu chất vấn, nhưng phải có sự ủng hộ của một số lượng nghị sĩ nào đó hoặc thậm chí của đa số nghị sĩ. Không chỉ thế, theo kiến nghị của nghị sĩ, toàn thể Nghị viện có thể tranh luận về vấn đề nêu trong chất vấn. Chẳng hạn ở Nghị viện Estonia, chất vấn được khởi xướng bởi yêu cầu bằng văn bản của cá nhân các nghị sĩ. Sau khi bộ trưởng trả lời, người nêu chất vấn bắt đầu cuộc tranh luận. Tiếp đó, đại diện các nhóm đảng và các ủy ban phát biểu về vấn đề được nêu. Nghị viện một số nước quy định chất vấn diễn ra định kỳ, ví dụ một lần một tuần như ở Thụy Điển. Yêu cầu chất vấn thường được gửi đến Chủ tịch Nghị viện, và người này có trách nhiệm chuyển yêu cầu chất vấn tới Thủ tướng, hoặc thành viên của Chính phủ có trách nhiệm trả lời chất vấn.
Xác định thời gian chất vấn
Việc xác định thời gian tiến hành phiên họp toàn thể để thực hiện thủ tục chất vấn có ý nghĩa rất quan trọng bởi bản thân câu hỏi chất vấn có mục đích xem xét trách nhiệm của Thủ tướng và thành viên của Chính phủ nên câu chất vấn phải nêu ra đúng thời điểm, theo ý của người yêu cầu. Để xác định thời gian tiến hành chất vấn, rất nhiều nước quy định theo hướng Văn phòng Nghị viện và Chính phủ sẽ thảo luận để đi đến một thỏa thuận. Thời điểm này thường được xác định làm sao cho nghị viên vẫn có thời gian chất vấn, còn các thành viên của Chính phủ cũng có đủ thời gian chuẩn bị câu trả lời. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cách thức giải quyết trong trường hợp Thủ tướng và các thành viên của Chính phủ không muốn trả lời câu hỏi chất vấn. Pháp luật của một số nước như Thụy Điển giải quyết vấn đề này bằng cách chấp nhận việc không trả lời của Chính phủ, nhưng đi kèm với nó là uy tín của Thủ tướng, hoặc các thành viên Chính phủ sẽ bị giảm sút. Một số nước khác lại quy định, nếu Chính phủ không trả lời chất vấn trong một thời gian nhất định thì với yêu cầu của một lượng nghị sĩ nhất định, Nghị viện đơn phương xác định thời gian chất vấn và thông báo cho Chính phủ.
Tiến hành chất vấn
Theo truyền thống của nhiều Nghị viện, tại phiên chất vấn, cá nhân nghị sĩ có câu hỏi chất vấn được phép trình bày câu chất vấn và Thủ tướng hoặc thành viên Chính phủ sẽ trả lời câu hỏi chất vấn trong một khoảng thời gian nhất định (nhiều nhất là 15 phút). Sau đó, các nghị sĩ có quyền đặt câu hỏi phụ đối với vấn đề chất vấn. Các câu hỏi phụ này được các nghị sĩ gửi lên Chủ tọa điều hành phiên chất vấn và người bị chất vấn phải trả lời ngay câu hỏi. Thông thường, Nội quy Nghị viện các nước giới hạn cho thời gian trả lời của mỗi câu hỏi phụ là 10 phút.
Xét về mặt nội dung của các cuộc chất vấn, người ta có thể phân biệt ba loại chất vấn: Thứ nhất, chất vấn để quy kết trách nhiệm. Đó là các cuộc chất vấn mà trong khi thảo luận, nghị sĩ chất vấn đả kích Chính phủ, và thể hiện thái độ bất tín nhiệm của mình đối với Chính phủ. Thứ hai, chất vấn mang tính thông tin. Trong các cuộc chất vấn này, mục đích là tìm ra những quan điểm của hành pháp về một vấn đề nào đó. Thứ ba, chất vấn mang tính khoa trương. Đây là trường hợp thường xảy ra ở các Nghị viện theo truyền thống Nghị viện Anh. Để tranh thủ uy tín cá nhân, nhiều thành viên Chính phủ đã lợi dụng thủ tục chất vấn bằng cách nhờ các nghị sĩ thân cận của mình nêu câu hỏi chất vấn để được trình bày một vấn đề nào đó trước Nghị viện.
Ở Hạ viện Australia, Chủ tịch Hạ viện sẽ hỏi: “Có ai có câu hỏi nào không?” để bắt đầu phiên chất vấn vào lúc 2 giờ chiều, theo lịch làm việc hàng ngày được nêu trong quy trình thủ tục của Hạ viện. Chủ tịch Hạ viện gọi từ bên trái (các nghị sĩ không phải thành viên Chính phủ) sang bên phải (các thành viên Chính phủ) để các nghị sĩ nêu câu hỏi, theo thông lệ tại Hạ viện. Theo truyền thống, câu hỏi đầu tiên sẽ do thủ lĩnh phe đối lập đưa ra. Chủ tịch Hạ viện sẽ dành ưu tiên (trong phạm vi số câu hỏi mà phe đối lập được nêu) cho thủ lĩnh và phó thủ lĩnh của phe đối lập, còn lại các câu hỏi sẽ được chia đều ở mức có thể. Hiện tại, trung bình khoảng gần 20 câu hỏi được nêu và trả lời mỗi ngày.
Quy trình thủ tục của Hạ viện đưa ra một số giới hạn đối với các câu hỏi như: mỗi câu hỏi không quá 45 giây; phải liên quan đến trách nhiệm của một bộ trưởng; không được bao gồm các lập luận, suy diễn, quy kết, xúc phạm hoặc các vấn đề giả định. Các câu hỏi cũng không được bàn về hoặc phê phán tính cách hoặc hành vi của một hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ, Nữ hoàng hoặc thành viên của bộ máy tư pháp. Quy trình thủ tục hướng dẫn cho Chủ tịch Hạ viện cho phép những câu hỏi thêm nhằm làm rõ hơn câu trả lời chất vấn. Đối với câu trả lời, Quy trình thủ tục của Hạ viện được sửa đổi năm 2010 rút xuống còn 4 phút và yêu cầu các câu trả lời phải liên quan trực tiếp đến câu hỏi, dù không yêu cầu một câu trả lời trực tiếp đối với câu hỏi.
Đối với các câu hỏi bằng văn bản, các nghị sĩ có thể chuyển qua vị thư ký ngồi tại bàn trong phòng họp, hoặc chuyển tới Văn phòng Tổng hợp (Table Office). Những câu hỏi này sẽ được in trong Tài liệu Thông báo lần tới. Nếu câu hỏi không được chuyển đến kịp giờ để in trong Tài liệu Thông báo cho ngày họp tiếp theo, thì câu hỏi đó sẽ được chuyển sang ngày họp tiếp sau đó. Các câu hỏi bằng văn bản phải tuân thủ những quy định của Quy trình thủ tục. Các viên thư ký, với sự cho phép của Chủ tịch, có thể sửa đổi các câu hỏi trước khi đưa chúng vào Tài liệu Thông báo, để bảo đảm chúng tuân thủ Quy trình thủ tục. Nếu có những thay đổi lớn, những thay đổi này sẽ được bàn thảo với vị nghị sĩ liên quan nếu có thể.
Câu trả lời bằng văn bản của bộ trưởng phải được chuyển tới viên thư ký và vị này sẽ gửi một bản copy tới nghị sĩ đặt câu hỏi. Câu hỏi và câu trả lời sau đó được in trong biên bản (Hansard). Nếu trong vòng 60 ngày mà bộ trưởng không trả lời một câu hỏi lần đầu tiên được nêu trong tài liệu thông báo, thì kết thúc phiên chất vấn, nghị sĩ có thể yêu cầu Chủ tịch thông báo tới bộ trưởng để biết được lý do của sự trì hoãn.