Hiệu lực, hiệu quả của chất vấn

- Chủ Nhật, 12/06/2022, 06:44 - Chia sẻ

Các cuộc chất vấn dù ở dạng nào thì kết thúc chất vấn, Nghị viện cũng phải đưa ra ý kiến của mình. Nếu Nghị viện không đưa ra ý kiến thì thủ tục chất vấn không đạt được mục đích vốn có của nó và Nghị viện lúc này chỉ còn mang ý nghĩa hình thức trước hành pháp.

Truyền thống Nghị viện nhiều nước ghi nhận có ba hình thức biểu quyết để xác định ý kiến của Nghị viện. Thứ nhất, Nghị viện biểu quyết thỏa mãn về sự trả lời của Thủ tướng hoặc các thành viên của Chính phủ. Theo cách thức này, vấn đề tín nhiệm đối với Thủ tướng hoặc các thành viên của Chính phủ cũng đồng nghĩa được thông qua. Thứ hai, Nghị viện biểu quyết không thỏa mãn. Với kết quả này, Nghị viện sẽ có thể đặt vấn đề bất tín nhiệm đối với Chính phủ theo chế độ trách nhiệm tập thể hoặc có thể đưa ra các khuyến nghị từ chức đối với các thành viên của Chính phủ (thông thường các thành viên này sẽ buộc phải từ chức để tránh sự sụp đổ tập thể của Chính phủ). Tuy nhiên, ở một số nước có thể chế hỗn hợp như Pháp, Italy, thì cho dù Nghị viện biểu quyết không thỏa mãn thì Chính phủ cũng không bị buộc phải giải tán nhưng uy tín của họ sẽ bị giảm sút nghiêm trọng và cũng thường dẫn đến việc từ chức. Thứ ba, Nghị viện biểu quyết một cách trung dung, không bao hàm ý nghĩa tán thành hay không tán thành với câu trả lời. Trong trường hợp này, Nghị viện không thảo luận gì thêm và tiếp tục nghị trình.

Một phiên họp của Quốc hội Thụy Điển

Trước hết, chất vấn dẫn đến hệ quả chính trị. Chất vấn là công cụ giám sát mạnh nhất của nghị viện các nước, vì nó quy trách nhiệm, có khi buộc tội các thành viên Chính phủ. Ở các nước thuộc chính thể đại nghị hoặc chính thể hỗn hợp, hình thức chất vấn có thể dẫn đến việc đặt vấn đề ủng hộ hay phản đối hoạt động của Chính phủ. Thậm chí có thể có việc đưa ra nghị quyết bất tín nhiệm và dẫn đến sự từ chức của  Chính  phủ.  “Bất  kỳ  sự  chất  vấn  nào  cũng  có  thể  là  lý  do  để  đưa  ra  nghị quyết, qua đó các viện phản ánh quan điểm của mình” (Phần 2, Điều 111, Hiến pháp Tây Ban Nha). Do những hậu quả nghiêm trọng như vậy, quy tắc và quy chế của các viện có những quy định phức tạp về việc đưa ra và thảo luận chất vấn.

Ở một số nước, việc chất vấn có thể dẫn đến việc Quốc hội biểu quyết thông qua kiến nghị (motion) đưa ra thảo luận tại Quốc hội về trách nhiệm của một quan chức nào đó. Và cao hơn nữa, một số nước quy định khi kiến nghị thu được một số lượng chữ ký nhất định thì vị quan chức này phải điều trần trước Quốc hội và có thể bị cách chức, thậm chí Quốc hội có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với một chính sách của Chính phủ. Ví dụ ở Pháp có quy định: nếu một kiến nghị bất tín nhiệm Chính phủ thu nhận được chữ ký của ít nhất 10 nghị sĩ thì vấn đề đó sẽ được đưa ra thảo luận. Một số nước khác quy định cần có khoảng 20 hoặc 50 chữ ký…

Hệ quả chính trị của chất vấn cũng thể hiện ở chỗ, chất vấn xét về một khía cạnh nào đó là sự cảnh báo của Quốc hội về một vấn đề hay một tình trạng cần được lưu ý giải quyết. Chẳng hạn như tình trạng các doanh nghiệp nhà nước hoạt động thua lỗ nhưng những người đứng đầu doanh nghiệp này lại giàu lên nhanh chóng; việc tinh giản biên chế và gánh nặng đối với xã hội... Sự cảnh báo này nhằm nâng cao tính dự đoán và trách nhiệm phải nhìn nhận trước vấn đề của các cơ quan quản lý.

Cuối cùng, trên phương diện hệ quả chính trị, chất vấn cũng có mục đích cung cấp thông tin và tạo cơ hội cho Quốc hội đánh giá, phê bình Chính phủ vì làm hay không làm điều gì đó. Bằng cách này các đại biểu có thể buộc các bộ trưởng chia sẻ thông tin. Ngay cả khi đơn thuần hỏi - đáp mà không biểu quyết về thái độ của nghị viện đối với phần trả lời của Chính phủ, thì hoạt động này của nghị viện cũng giúp làm rõ thông tin, mang lại sự minh bạch.

Quốc Đạt