Phương án nào phù hợp hơn?
Vấn đề thẩm quyền của Nhà nước (Bộ Y tế) trong định giá dịch vụ khám chữa bệnh, theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, hiện có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị, Nhà nước (Bộ Y tế) quy định giá tối đa dịch vụ khám chữa bệnh đối với cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước (bao gồm giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, giá dịch vụ khám chữa bệnh thực hiện bởi cơ sở theo phương thức hợp tác đối tác công tư).
Loại ý kiến thứ hai đề nghị, Nhà nước (Bộ Y tế) quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh thanh toán bằng bảo hiểm y tế theo lộ trình, phù hợp khả năng ngân sách nhà nước và chi trả của người dân. Đối với giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, tôn trọng nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước, cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước được định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu theo nguyên tắc, căn cứ định giá quy định tại Luật này và phương pháp định giá do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, kê khai giá và đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch.
Nhưng, không khó để thấy, quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh không chỉ được điều chỉnh bởi Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trên thực tế luật gốc điều chỉnh là Luật Giá. Tại Luật Giá cũng quy định cơ quan hướng dẫn tổng quát việc xác định giá dịch vụ, hàng hóa là Bộ Tài chính. Do vậy, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, cần cân nhắc việc giữa quy định tại Điều 110 của dự thảo Luật theo hướng “Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về phương pháp định giá đối với cơ sở khám, chữa bệnh". Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, dự thảo Luật cần quy định theo hướng Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ hướng dẫn phương pháp xác định giá mà Luật Giá đã quy định, góp phần tránh xung đột với Luật Giá thì sẽ không làm được.
Đối với xác định thẩm quyền của Nhà nước (Bộ Y tế) trong xác định giá dịch vụ khám chữa bệnh, ĐBQH Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) lựa chọn theo phương án thứ nhất, Bộ Y tế sẽ xác định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, giá dịch vụ khám chữa bệnh thực hiện bởi cơ sở thực hiện theo phương thức hợp tác đối tác công tư. Lý giải cho lựa chọn này, đại biểu Lưu Văn Đức nêu rõ, trong khám chữa bệnh, giá dịch vụ là yếu tố hết sức quan trọng và cũng hết sức đặc thù do hầu như người bệnh không thể thương lượng như các hàng hóa, dịch vụ khác. Do đó Nhà nước cần có cơ chế quản lý phù hợp thông qua việc xác định các yếu tố hình thành giá nguyên tắc tính giá.
Đại biểu Lưu Văn Đức cũng lưu ý, ở nước ta hiện nay còn trên 10% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế, phần lớn trong số họ là những người có thu nhập trung bình thấp, không ổn định và cơ sở khám chữa bệnh công lập là nơi chủ yếu mà họ sẽ đến khi cần khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Nếu không kiểm soát giá đối với các dịch vụ khám chữa bệnh ngoài phạm vi bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế công lập thì mức chi phí y tế sẽ vượt quá khả năng của những người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa nhưng không thuộc đối tượng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Theo đại biểu Lưu Văn Đức, nếu không kiểm soát giá khám chữa bệnh theo cầu ở các bệnh viện công sẽ dẫn đến tình trạng cơ sở khám chữa bệnh công lập được quyết định giá như cơ sở tư nhân. Điều này là bất hợp lý vì cơ sở vật chất của các bệnh viện công là do Nhà nước đầu tư để phục vụ cho nhân dân. Đại biểu nhấn mạnh, trong bối cảnh nước ta chưa thực hiện được bao phủ 100% bảo hiểm y tế của người dân, số người thu nhập thấp còn nhiều nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa thì Nhà nước vẫn cần quản lý giá khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế công lập, cả khám bảo hiểm y tế và cả khám chữa bệnh theo yêu cầu để bảo đảm quyền được chăm sóc y tế của nhân dân; để những người yếu thế không bị nghèo khó về chi phí y tế.
Nên tách bạch theo 2 luồng rõ ràng
Từ thực tế tham gia điều hành cơ sở y tế, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng, giá dịch vụ khám chữa bệnh cần được phân thành hai luồng rất rõ ràng. Thứ nhất là, giá thu viện phí được bảo hiểm chi trả. Đây là giá được quy định cụ thể theo từng chuyên khoa, phương pháp điều trị nên cần có lộ trình tính đúng, tính đủ, đặc biệt là tiến tới xóa bỏ cùng chi trả. Đồng thời, đây cũng là một vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng đến bảo đảm an sinh xã hội cho người dân ở mọi đối tượng và vai trò bảo đảm an sinh. Do vậy, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết thêm, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần quy định nguyên tắc chung về lộ trình thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ, tạo cơ sở để các cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn theo lộ trình.
Thứ hai là, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu. Với loại giá dịch vụ khám chữa bệnh này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu khẳng định, đây là động lực để các bệnh viện và ngành y tế thay đổi và phát triển. Do vậy, tại dự thảo Luật không thể quy định giá trần mà cần tuân theo quy luật của thị trường. Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước cần có các quy định để bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế như là trình độ nhân viên y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thời gian khám hay là các phẫu thuật can thiệp kỹ thuật đặc biệt… “Ngoài ra, việc thanh tra, kiểm tra, rà soát giá khám chữa bệnh có được công khai giải trình tường minh cũng là trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Tài chính và cơ quan thanh tra, kiểm tra”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu lưu ý.
Đối với băn khoăn về sự thống nhất với quy định của Luật Giá, ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) phân tích, tại dự án Luật Giá (sửa đổi) trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư đã quy định rất rõ “nếu trong trường hợp luật khác có quy định khác với Luật Giá đang dự thảo thì sẽ thực hiện theo luật đó”. Đặc biệt, tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) cũng có quy định cụ thể là Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ được thực hiện theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh ban hành trước Luật Giá.
Về tính thống nhất trong quản lý giá dịch vụ khám chữa bệnh, đại biểu Đỗ Thị Lan nhận thấy, tại dự thảo Luật đã quy định, Bộ Tài chính là cơ quan tham mưu cho Chính phủ quy định phương pháp tính giá chung, trên cơ sở đó Bộ Y tế thực hiện xác định phương pháp định giá đối với giá dịch vụ khám chữa bệnh mang tính chuyên ngành. Với quy định như vậy tại các dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Thị Lan khẳng định, trong quá trình ban hành các văn bản chi tiết để thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh thì Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, vấn đề còn gây băn khoăn đối với dự án Luật này vì thế sẽ không còn.
Báo cáo tiếp thu và làm rõ một số vấn đề ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH và kế thừa các quy định tại Điều 88 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, nội dung liên quan đến giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ được chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quy định về các yếu tố hình thành giá theo hướng tính đúng, tính đủ, để tháo gỡ vướng mắc cho các cơ sở y tế được nhiều ĐBQH phản ánh trong ba kỳ họp cho ý kiến với dự án Luật này. Đồng thời, để bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, dự thảo Luật sẽ quy định sao cho Chính phủ quy định về lộ trình cụ thể của việc tính đúng, tính đủ. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán và do ngân sách nhà nước thanh toán. HĐND cấp tỉnh sẽ quy định giá dịch vụ của các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn của tỉnh quản lý nhưng không được vượt qua mức giá dịch vụ khám chữa bệnh tương ứng do Bộ Y tế quy định.
Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), như nhận định của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, là dự luật sẽ tác động đến nhiều đối tượng, nhiều chính sách và tính chuyên môn cụ thể. Do vậy, tại phiên thảo luận chiều qua, dự thảo Luật tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của các ĐBQH góp ý về những vấn đề chung, cũng như những vấn đề cụ thể xuất phát từ thực tiễn. Những phân tích kỹ càng, có chất lượng cao của các ĐBQH tại phiên thảo luận đã làm rõ, tạo sự thống nhất cao về phương thức quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo hướng "bảo đảm vừa chăm sóc sức khỏe nhân dân, vừa tạo điều kiện cho cơ sở y tế phát triển".