Sự kiện mang tính bước ngoặt này không chỉ thắp lên ngọn lửa hy vọng cho hàng trăm bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối đang mòn mỏi chờ đợi cơ hội được tiếp tục sống, mà còn khẳng định sự trưởng thành vượt bậc về trình độ chuyên môn và năng lực kỹ thuật của đội ngũ y tế địa phương.
Hai ca phẫu thuật ghép thận được thực hiện đồng thời tại 2 bệnh viện tuyến tỉnh là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh và Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.
Tạng thận hiến tặng từ một bệnh nhân không may bị chết não tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, được Trung tâm Điều phối tạng quốc gia điều phối cho hai bệnh nhân tại Quảng Ninh.
Cụ thể, một quả thận được ghép cho bệnh nhân nữ, 41 tuổi, trú tại thị xã Quảng Yên, mắc suy thận giai đoạn cuối, đã phải chạy thận chu kỳ 3 lần/tuần tại Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí và có chỉ định ghép thận để điều trị lâu dài. Quả thận còn lại được ghép cho bệnh nhân nam, 48 tuổi, trú tại TP Cẩm Phả, cũng mắc suy thận giai đoạn cuối và đang điều trị chạy thận chu kỳ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Trong toàn bộ quá trình thực hiện, hai bệnh viện đã nhận được sự hỗ trợ toàn diện về mặt chuyên môn, kỹ thuật từ đội ngũ chuyên gia hàng đầu của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Các bác sĩ của Quảng Ninh đã được cử đến Hà Nội để trực tiếp tham gia vào quá trình lấy và bảo quản tạng, đảm bảo các điều kiện tối ưu về mặt kỹ thuật cũng như thời gian vận chuyển tạng về địa phương một cách an toàn và hiệu quả nhất.
Song song, tại Quảng Ninh, các kíp chuyên môn then chốt bao gồm gây mê hồi sức, phẫu thuật tiết niệu, thận và lọc máu, hồi sức cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm… của cả hai bệnh viện đã được huy động tối đa, tiến hành các bước chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, trang thiết bị hiện đại và xây dựng phương án hậu phẫu toàn diện cho cả hai bệnh nhân.


Với quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng và cẩn trọng, sau hơn 2 giờ đồng hồ cùng sự tập trung cao độ của toàn bộ ê kíp y tế, hai ca ghép thận đã được hoàn thành ngay trong đêm 8.4.
Đến thời điểm hiện tại, cả hai bệnh nhân đều đang có những dấu hiệu hồi phục tích cực, các chỉ số sinh tồn ổn định và chức năng thận ghép đang dần được thiết lập.
TS.BS Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết, để chuẩn bị cho những ca ghép thận đầu tiên này, ngành Y tế Quảng Ninh đã chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, nhân lực, thiết bị.
"Việc triển khai thành công ca ghép thận này sẽ là tiền đề quan trọng để ngành Y tế Quảng Ninh tiếp tục nghiên cứu thực hiện các ca ghép tạng khác như: tim, gan, phổi… Từ đó, người dân trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng kỹ thuật y tế chuyên sâu, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, từng bước hội nhập với quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó, việc ghép thận còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc bởi lan toả nghĩa cử cao đẹp của việc hiến tạng cứu người", TS.BS Nguyễn Trọng Diện nhấn mạnh.
Cũng theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, thành tựu mang tính đột phá này cũng là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành y tế địa phương trong việc tiếp cận và làm chủ các kỹ thuật y khoa tiên tiến, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng điều trị bệnh, giảm tỷ lệ tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
Việc thực hiện ghép tạng ngay tại tỉnh nhà còn giúp người dân Quảng Ninh có thể tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao mà không cần phải di chuyển đến các trung tâm lớn, từ đó giảm bớt gánh nặng về chi phí điều trị, thời gian đi lại cho bệnh nhân và gia đình.
TS.BS Nguyễn Trọng Diện cho biết trong thời gian tới, các bệnh viện tuyến tỉnh của Quảng Ninh sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển chuyên sâu lĩnh vực ghép tạng, không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn và trang thiết bị hiện đại, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm ghép tạng uy tín trong khu vực.
Từ đó, góp phần đưa ngành y tế Quảng Ninh tham gia sâu hơn vào mạng lưới hiến, ghép tạng Quốc gia, mang lại thêm nhiều cơ hội sống cho người bệnh và khẳng định vị thế của y tế tỉnh trên bản đồ y khoa cả nước.