
Các triệu chứng của ung thư vòm hầu
Các dấu hiệu để nhận biết bệnh như: Nghe kém, ù tai, đau hoặc cảm giác đầy trong tai (đặc biệt chỉ ở một bên); nhiễm trùng tai tái đi tái lại; tắc nghẽn mũi hoặc nghẹt mũi; chảy máu cam; nhức đầu; đau hoặc tê bì mặt; khó mở miệng; nhìn mờ hoặc nhìn đôi; khó thở hoặc khó nói chuyện.
Ngoài ra, ở giai đoạn muộn, người bệnh còn biểu hiện các triệu chứng tại cơ quan lân cận như ù tai, nghe kém, đau đầu hoặc nhìn mờ, nhìn đôi.
Nếu bạn có bất kỳ vấn đề nào trong số các triệu chứng trên, bạn phải gặp bác sĩ ngay để được thăm khám theo những nội dung sau:
Khám thần kinh
Khối ung thư thường phát triển theo xu hướng lan rộng và thâm nhiễm vào các tạng xung quanh. Biến chứng nguy hiểm nhất là gây tổn thương các dây thần kinh đi qua vùng nền sọ, đặc biệt dây thần kinh thị giác ngay sát vòm hầu.
Do đó, việc thăm khám và đánh giá chức năng các dây thần kinh luôn được thực hiện ở những bệnh nhân ung thư vòm hầu.
Khám thính lực
Người bệnh ung thư vòm hầu thường có biểu hiện ù tai, đôi khi nghe kém và mất thính lực 1 bên. Do đó, đánh giá thính lực là cần thiết trong chẩn đoán bệnh ung thư vòm hầu.
Nội soi
Nội soi mũi họng gián tiếp: dùng gương nhỏ đặc biệt và đèn sáng để quan sát vòm họng và các khu vực xung quanh.
Nội soi mũi họng trực tiếp: dùng ống soi mũi họng để quan sát trực tiếp vào niêm mạc vòm hầu qua mũi (được xịt thuốc tê qua mũi). Đây là phương pháp thường được sử dụng để kiểm tra kỹ lưỡng vòm hầu.
Sinh thiết qua nội soi
Nếu thấy tổn thương nghi ngờ trong vòm hầu, bác sĩ có thể lấy một mảnh nhỏ bằng các dụng cụ nội soi. Mẫu mô sau đó được gửi đến phòng xét nghiệm, nơi bác sĩ giải phẫu bệnh xử lý mẫu và quan sát dưới kính hiển vi. Nếu mẫu sinh thiết chứa các tế bào ung thư bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ gửi lại một báo cáo kết quả mô tả loại ung thư.
Sinh thiết bằng kim nhỏ
Có thể được sử dụng nếu nghi ngờ có một khối u ở vùng cổ. Bác sĩ sẽ dùng kim rỗng để hút một ít chất lỏng chứa các tế bào ở vùng tổn thương. Thủ thuật chọc hút kim nhỏ này không cần dùng thuốc tê.
X-quang ngực
Nếu đã được chẩn đoán mắc ung thư vòm hầu, có thể chụp X-quang ngực để xem ung thư có lan đến phổi không. Điều này rất hiếm khi xảy ra trừ khi loại ung thư tiến triển rất nhanh.
Chụp cắt lớp vi tính (CT scan)
Chụp CT vùng đầu cổ có thể xác định thông tin về kích thước, hình dạng và vị trí của khối u và có thể giúp phát hiện các hạch bạch huyết có thể chứa ung thư. Chụp CT hoặc MRI rất quan trọng trong việc phát hiện xem ung thư có thể đã lan rộng đến nền sọ chưa, là vị trí thường gặp khi ung thư vòm hầu tiến triển. CT cũng có thể phát hiện các khối u ở các bộ phận khác của cơ thể.
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
MRI có thể xác định xem ung thư đã lan rộng đến các cấu trúc gần vòm hầu hay chưa. MRI tốt hơn so với CT scan trong việc quan sát các mô mềm trong mũi và họng, nhưng không hoàn toàn tốt khi quan sát xương nền sọ.
Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET)
Chụp PET sử dụng một dạng đường phóng xạ đưa vào máu. Các tế bào ung thư trong cơ thể phát triển nhanh chóng, nên chúng hấp thụ một lượng lớn đường. Hình ảnh chụp PET không chi tiết tinh xảo như CT hoặc MRI, nhưng cung cấp thông tin có ích về toàn bộ cơ thể.
PET giúp bác sĩ phát hiện xem ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết chưa, cũng có thể giúp bác sĩ biết rõ hơn về việc liệu một vùng bất thường trên X quang ngực có thể là ung thư hay không. Chụp PET cũng có thể giúp bác sĩ nghĩ rằng ung thư có thể đã lan rộng nhưng không biết ở đâu.
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu không dùng để chẩn đoán ung thư vòm hầu, nhưng có thể được thực hiện vì những lý do khác như để giúp tìm hiểu xem ung thư có lan sang các bộ phận khác của cơ thể hay không.