Ngoài việc tuân thủ phương pháp điều trị thì chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng. Bệnh nhân thiếu máu được khuyến nghị ưu tiên bổ sung đạm từ động vật. Thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, gia cầm và hải sản… ngoài hàm lượng protein cao còn là nguồn cung cấp kẽm và sắt heme dồi dào. Chính vì vậy, bác sĩ Khoa Huyết học lâm sàng, Bệnh viện TWQĐ 108 gợi ý thực phẩm tốt, có lợi bổ sung chất sắt mà người bệnh như sau:

Đối với nhóm bệnh nhân thiếu máu thiếu sắt, một số thực phẩm giàu sắt heme phổ biến, dễ tìm mà người bệnh nên ăn:
Thịt đỏ
Thịt đỏ như thịt bò, cừu, thịt trâu, thịt vịt, ngỗng,.. là 1 trong những nguồn protein chất lượng cao và là nhóm thực phẩm cung cấp lượng sắt heme dồi dào nhất.
Gan và nội tạng động vật
Nội tạng động vật như gan gà, gan lợn… cũng là nguồn thực phẩm chứa nhiều sắt. Lưu ý: khi chế biến nội tạng động vật cần làm sạch, luộc thật chín để đảm bảo loại bỏ được hết ký sinh trùng
Các loại hải sản
Một số loại cá như các ngừ, cá hồi, cá thu, cá mòi, cá nục,.. không chỉ là nguồn cung cấp sắt heme có giá trị mà còn cung cấp sự kết hợp có lợi của axit béo omega-3, vitamin B12 và vitamin D,..rất tốt cho sức khỏe hệ tim mạch, hệ miễn dịch, hệ thần kinh… các động vật có vỏ như nghêu, hàu, sò điệp, trai, cũng nên bổ sung trong thực đơn.
Lòng đỏ trứng
Trứng cũng là nguồn thực phẩm cung cấp sắt heme và nhiều chất dinh dưỡng khác như protein, choline, vitamin D, và axit béo omega-3.
Tuy nhiên để đảm bảo cung cấp đủ sắt cho cơ thể, bạn nên kết hợp các loại thực phẩm cung cấp 2 nhóm sắt heme và sắt không heme trong chế độ ăn uống. Với thiếu máu thiếu sắt, sau khi được thăm khám và chẩn đoán xác định, cần được bổ sung sắt đường uống theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý kết hợp thực phẩm liên quan đến hiệu quả hấp thu sắt:
Ăn thêm thực phẩm giàu vitamin C như nước cam, chanh hoặc vitamin C đường uống làm tăng sự hấp thu sắt.
Hạn chế trà xanh, cà phê, các loại sữa giàu canxi vì giảm hấp thu sắt đường ruột.
Đối với nhóm bệnh nhân thiếu máu thừa sắt
Người bệnh nên chọn các thực phẩm có dạng sắt không có heme (là loại sắt mà cơ thể hấp thụ kém hơn sắt heme, tỷ lệ hấp thu chỉ 2-10%), chủ yếu có nguồn gốc từ thực vật như: Rau cải bó xôi, đậu lăng, ngũ cốc nguyên hạt, sup lơ xanh, khoai lang, nấm...
Một số nhóm thực phẩm giúp giảm hấp thu sắt vào cơ thể:
Nhóm thực phẩm giàu Phytate
Ăn các loại thực phẩm chứa nhiều phytate như đậu; các loại hạt; ngũ cốc nguyên hạt làm giảm sự hấp thụ chất sắt không heme từ thực vật. Từ đó, làm giảm tổng lượng sắt trong cơ thể.
Nhóm thực phẩm giàu Phosphor
Phosphor có khả năng ức chế hấp thu cả sắt heme và sắt không phải heme ở nồng độ rất cao. Nhóm thực phẩm tiêu biểu bao gồm: thịt, gia cầm và cá. Các nguồn phốt pho khác không chứa nhiều sắt bao gồm: trái cây sấy khô; ngũ cốc nguyên hạt; đồ uống có ga; các loại hạt; đậu và các sản phẩm từ sữa.
Nhóm thực phẩm giàu Acid tannic
Thường được tìm thấy từ một số loại cây như hồng, trà, cà phê, lựu,… Do đó người bệnh nên sử dụng những loại thực phẩm giàu acid tannic này ngay sau bữa ăn để giảm hấp thụ sắt. Ngoài trà và cà phê, một số đồ uống khác có chứa acid tannic là nước trái cây; quả mọng; quả việt quất sẽ có giảm quá trình hấp thu sắt trong cơ thể.