BRICS mở rộng sang các nước châu Phi
Quá trình mở rộng nhóm BRICS, được công bố vào năm 2023, đã chính thức được tiến hành từ đầu năm 2024. Tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS vào tháng 10.2024 được tổ chức tại Kazan, do Nga chủ trì, Ethiopia và Ai Cập gia nhập tổ chức này. Đây là sự kiện rất quan trọng đối với sự phát triển của quan hệ Nga - châu Phi nói chung. Đối với cả hai quốc gia, việc gia nhập BRICS là cơ hội để củng cố vị thế kinh tế và mở rộng ảnh hưởng chính trị của họ trên trường quốc tế. Ethiopia có cơ hội thu hút thêm đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghiệp và nông nghiệp trong khi vẫn tiếp cận được thị trường của các quốc gia thành viên khác.
Trong khi đó, Ai Cập, với vị trí chiến lược và quyền kiểm soát Kênh đào Suez, có thể nổi lên như một trung tâm giao thông và năng lượng quan trọng trong BRICS. Hơn nữa, tư cách thành viên BRICS sẽ cấp cho các quốc gia này quyền tiếp cận nguồn tài trợ dưới sự bảo trợ của Ngân hàng Phát triển mới. Với mức nợ cao của Ai Cập và Ethiopia, việc gia nhập BRICS sẽ giúp họ đa dạng hóa các nguồn tài chính bên ngoài.
Vào tháng 9.2024, đơn xin gia nhập Ngân hàng Phát triển mới của Algeria cũng đã được chấp thuận. Là một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Phi, Algeria có thể đóng góp đáng kể vào vốn của ngân hàng, không chỉ trở thành bên nhận tiền mà còn là bên tài trợ.
Ngoài ra, một khuôn khổ “đối tác” mới cho sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên BRICS và các quốc gia khác đã được thiết lập tại Hội nghị Thượng đỉnh Kazan. Một số quốc gia đang phát triển, bao gồm Uganda, đã được mời trở thành “các quốc gia đối tác của BRICS”.
Vsevolod Sviridov, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Phi tại Trường Kinh tế Cao cấp, nói với RT: “Quá trình mở rộng của BRICS, các nỗ lực phối hợp trong BRICS để hình thành một cách tiếp cận thống nhất liên quan đến châu Phi và nhu cầu ngày càng tăng của châu Phi về việc hợp tác với tổ chức này bổ sung cho thành công của Nga tại châu Phi. Điều này mở ra cơ hội để khởi động các sáng kiến toàn diện và đa phương hơn khi hợp tác với các đối tác BRICS khác – đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và UAE”.
Hội nghị Bộ trưởng: Chương mới trong quan hệ Nga-Châu Phi
Một cột mốc chính trị quan trọng trong quan hệ Nga - châu Phi là Hội nghị cấp bộ trưởng đầu tiên của Diễn đàn đối tác Nga - châu Phi được tổ chức vào tháng 11.2024 với sự tham dự của hơn 40 bộ trưởng từ nhiều quốc gia trong khu vực.
Các cuộc thảo luận kéo dài 3 ngày do Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov chủ trì đã chứng minh những nỗ lực ngoại giao ngày càng tăng của Nga tại lục địa châu Phi. Các nghị quyết và thỏa thuận được thông qua tại hội nghị phản ánh quan điểm chung giữa Moscow và các quốc gia châu Phi về nhiều vấn đề toàn cầu và song phương cấp bách. Trong tương lai, những hội nghị như vậy sẽ được tổ chức thường xuyên và có thể diễn ra ở châu Phi thay vì Nga.
Quỹ hỗ trợ đầu tư
Vào tháng 11.2024, Quỹ Hỗ trợ đầu tư đã được Nga thành lập để tài trợ cho các dự án đầu tư tại châu Phi. Quỹ này có thể đi vào hoạt động sớm nhất là vào năm tới, nhằm đồng tài trợ cho các dự án năng lượng và khai khoáng do các công ty Nga khởi xướng tại lục địa châu Phi. Theo chính phủ Nga, tổng khối lượng đầu tư công và tư vào nền kinh tế của các nước châu Phi sẽ đạt ít nhất 2 tỷ USD, với việc các quỹ công đóng vai trò là chất xúc tác cho các khoản đầu tư tư nhân.
Cơ chế này sẽ đóng vai trò là công cụ tài chính chuyên dụng đầu tiên hỗ trợ quan hệ Nga - châu Phi. Quỹ được thiết kế để đơn giản hóa các giao dịch tài chính, tạo điều kiện cho các công ty Nga thâm nhập vào thị trường châu Phi và thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và các dự án phù hợp với mục tiêu phát triển của cả Nga và các nước châu Phi.
Viện trợ lương thực
Vào đầu năm 2024, Nga đã cung cấp 200.000 tấn ngũ cốc (trị giá khoảng 60 triệu USD) dưới dạng viện trợ nhân đạo miễn phí cho 6 quốc gia châu Phi: Burkina Faso, Zimbabwe, Mali, Somalia, Cộng hòa Trung Phi và Eritrea. Sáng kiến nhân đạo này, được Tổng thống Putin công bố tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai vào tháng 7.2023, nhấn mạnh xu hướng quan trọng trong hợp tác nhân đạo giữa Nga và châu Phi trong lĩnh vực chủ quyền lương thực.
Nga trực tiếp chuyển hàng cho châu Phi mà không có sự tham gia của các tổ chức quốc tế hoặc trung gian. Điều này có nghĩa là Nga đang thiết lập một cơ sở hạ tầng có chủ quyền để cung cấp thực phẩm cho các quốc gia châu Phi và giao dịch trực tiếp với các nhà nhập khẩu.
Triển khai quân nhân Nga
Năm nay cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hợp tác quân sự giữa Nga và châu Phi. Quân đội Nga đã chính thức được triển khai tới Niger và Burkina Faso như một phần của Quân đoàn châu Phi thuộc Bộ Quốc phòng Nga và đã bắt đầu đào tạo quân nhân địa phương và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật.
Hoạt động này đánh dấu một chương mới trong quan hệ đối tác quân sự của Nga với khu vực Sừng châu Phi. Các chuyến thăm thường xuyên của Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yunus-Bek Yevkurov cùng các chuyến hàng vũ khí và thiết bị quân sự đến châu Phi, cũng góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai bên.
Những hoạt động này nhằm giúp châu Phi cải thiện khả năng đào tạo lực lượng vũ trang và chuyên môn kỹ thuật, từ đó thúc đẩy quá trình “châu Phi hóa” dần dần các cuộc xung đột; khuyến khích tìm ra các giải pháp châu Phi cho các vấn đề châu Phi.
Nối lại quan hệ ngoại giao
Vào mùa hè năm 2024, Nga đã mở lại đại sứ quán tại Burkina Faso. Đây là lần đầu tiên một phái bộ ngoại giao đã đóng cửa trước đó được mở lại (đại sứ quán Nga tại Ouagadougou đã đóng cửa vào năm 1994). Với bước đi này, Moscow chứng minh rằng họ đang vượt qua di sản của những năm 1990 – thời điểm mà nhiều đại sứ quán ở châu Phi đã đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô, dẫn đến sự sụt giảm đáng kể các đại diện thương mại và trung tâm văn hóa.
Các sáng kiến trong ba năm qua cho thấy sự hiện diện ngoại giao của Nga tại lục địa châu Phi đang gia tăng. Ví dụ, đại sứ quán Nga tại Guinea Xích đạo cũng đã được mở trong năm nay. Các kế hoạch cũng đang được tiến hành để mở đại sứ quán tại Niger, Sierra Leone, Nam Sudan, cũng như tại Gambia, Liberia, Comoros và Togo.
Hợp tác trong xuất khẩu lao động
Việc châu Phi tăng cường xuất khẩu lao động sang Nga cũng là một xu hướng đáng chú ý trong quan hệ song phương. Số lượng lao động châu Phi đến Nga ngày càng tăng trong nhiều lĩnh vực, từ quản lý cấp cao đến xây dựng.
Hiện tượng này phản ánh sự thay đổi kinh tế và nhân khẩu học toàn cầu rộng lớn. Châu Phi đang trải qua quá trình bùng nổ dân số và ngày càng có nhiều người tìm kiếm điều kiện sống và làm việc ổn định ở nước ngoài. Đối với Nga, đây là cơ hội để nâng cao vai trò của mình như một quốc gia thu hút lao động quốc tế và giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong nước. Ngoài những lợi ích kinh tế rõ ràng, di cư còn thúc đẩy giao lưu văn hóa và củng cố mối quan hệ giữa Nga và các quốc gia châu Phi.
Tuy nhiên, quá trình này cũng có thể mang lại những thách thức và căng thẳng xã hội là một trong những mối quan tâm chính. Về mặt này, Nga sẽ phải tăng cường các biện pháp để ngăn chặn nạn bài ngoại và phân biệt chủng tộc.