Thêm BRICS vào danh sách áp thuế
Viết trên nền tảng truyền thông xã hội Truth Social của mình, ông Trump cho biết ông sẽ ban hành thuế quan nếu các nước này tạo ra một loại tiền tệ đối thủ mới cho đồng đô la hoặc ủng hộ một loại tiền tệ thay thế đồng đô la làm phương tiện trao đổi dự trữ của thế giới. “Chúng tôi yêu cầu các quốc gia này cam kết không tạo ra một loại tiền tệ mới của nhóm BRICS hoặc hỗ trợ bất kỳ loại tiền tệ nào khác để thay thế đồng USD hùng mạnh, nếu không họ sẽ phải đối mặt với mức thuế quan 100% và phải nói lời tạm biệt với nền kinh tế tuyệt vời của Hoa Kỳ”, ông nói.
Tuyên bố trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông cho biết sẽ áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm từ Canada và Mexico vào Hoa Kỳ, cùng với mức thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc ngay sau khi ông nhậm chức Tổng thống. Những tuyên bố này của ông về thuế quan làm dấy lên lo ngại về tác động đến nền kinh tế toàn cầu.
Tại sao BRICS muốn giao dịch bằng đồng tiền riêng?
Nhóm BRICS - đặt theo tên của năm thành viên ban đầu (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), và vừa mở rộng các thành viên quan trọng bao gồm Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Ethiopia và Iran. Được thành lập năm 2009, BRICS nhằm thúc đẩy lợi ích của các nền kinh tế mới nổi cũng như hướng tới một thế giới đa cực, đa trung tâm, giúp họ ít phụ thuộc hơn vào nền kinh tế Mỹ, trong đó có đồng USD, loại tiền tệ được sử dụng phổ biến nhất trong thương mại toàn cầu.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh của BRICS mới đây, các nước thành viên đã khẳng định quyết tâm thúc đẩy một hệ thống thanh toán quốc tế mới. Có những lý do kinh tế và chính trị để BRICS muốn thúc đẩy sử dụng đồng tiền riêng của nhóm. Việc sử dụng một đồng tiền thống nhất để giao dịch nội bộ sẽ giúp giảm chi phí giao dịch và giảm sự phụ thuộc của các quốc gia này vào tiền tệ nước ngoài.
Trong vài thế kỷ qua, nền kinh tế thế giới đã phát triển theo cách khiến một số loại tiền tệ có giá trị hơn và được tin cậy rộng rãi trong thương mại quốc tế, bao gồm USD, Euro, yên Nhật và bảng Anh. Những loại tiền tệ này có giá trị trên toàn thế giới vì chúng đến từ các quốc gia có nền kinh tế mạnh và lịch sử giao dịch lâu dài trên toàn cầu. Khi các quốc gia giao dịch bằng những loại tiền tệ này và dự trữ chúng, họ coi đó là "an toàn" vì giá trị của những loại tiền tệ này vẫn ổn định và chúng có thể dễ dàng được sử dụng hoặc trao đổi ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Nhưng đối với các quốc gia ở Nam bán cầu, như Ethiopia, nơi mà đồng nội tệ (birr) không được chấp nhận rộng rãi bên ngoài biên giới của mình, giao dịch khó khăn hơn nhiều. Các quốc gia này phải vật lộn để kiếm đủ các loại tiền tệ chính thông qua xuất khẩu để mua những gì họ cần trên thị trường quốc tế và trả nợ. Điều này có thể tạo ra những thách thức làm chậm sự tăng trưởng và phát triển kinh tế. Do đó, nếu các hoạt động thương mại được tiến hành bằng đồng tiền riêng giữa các thành viên BRICS+ sẽ hỗ trợ tăng trưởng và phát triển.
Nước xuất khẩu dầu mỏ Nga là một trường hợp đặc biệt. Mặc dù nhìn chung có ít hạn chế về ngoại tệ hơn, Nga vẫn phải đối mặt với các lệnh trừng phạt tài chính nghiêm ngặt vì cuộc chiến ở Ukraine. Sử dụng một đồng tiền riêng trong các giao dịch nước ngoài có thể giúp nước này dễ dàng vượt qua các lệnh trừng phạt này hơn.
Liệu đồng tiền của BRICS có đe dọa vị thế đồng đô la?
Trên thực tế, việc bất kỳ tổ chức nào định tạo ra một loại tiền tệ mới có tính cạnh tranh sẽ rất khó khăn vì đồng đô la được sử dụng phổ biến nhất hiện nay trong các giao dịch kinh doanh trên toàn thế giới. Bất chấp sự tồn tại của đồng euro và tầm quan trọng ngày càng tăng của đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, đồng đô la vẫn là đồng tiền dự trữ chính của thế giới, chiếm khoảng 58% dự trữ ngoại hối của thế giới, theo IMF. Ngoài ra, các mặt hàng quan trọng như dầu và vàng vẫn chủ yếu được mua và bán bằng đô la.
Mark Weinstock, chuyên gia thương mại toàn cầu và giáo sư kinh tế tại Đại học Pace, cho biết: "Về mặt kinh tế, đây không phải là vấn đề lớn vì ý tưởng các nước BRICS có thể cùng nhau đưa ra một loại tiền tệ thay thế làm tiền tệ dự trữ cho đồng USD là không khả thi trong ngắn hạn hoặc trung hạn".
Nói cách khác, các quốc gia BRICS sẽ phải vật lộn để tạo ra một loại tiền tệ khả thi khi xét đến sức mạnh và sự ổn định tương đối của nền kinh tế Hoa Kỳ và niềm tin mà các nhà đầu tư toàn cầu và các đối tác thương mại dành cho nợ của Chính phủ Hoa Kỳ. Và trong khi các thành viên của nhóm có một số lợi ích chung, việc thống nhất đằng sau một loại tiền tệ duy nhất sẽ rất phức tạp về mặt chính trị và kỹ thuật.
Phản ứng của BRICS
Các quốc gia BRICS bày tỏ việc họ vẫn tiếp tục tìm kiếm giải pháp giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, nhưng việc này sẽ diễn ra từ từ và thận trọng, chứ không phải là một cuộc cách mạng tiền tệ nhanh chóng.
Một số thành viên BRICS đã có động thái xoa dịu sau lời đe dọa áp thuế của ông Trump. Hôm 2.12, Chính phủ Nam Phi đã đưa ra tuyên bố trên mạng xã hội khẳng định họ không có kế hoạch tạo ra một loại tiền tệ riêng của BRICS. “Những báo cáo sai lệch gần đây đã dẫn đến câu chuyện không chính xác rằng BRICS đang có kế hoạch tạo ra một loại tiền tệ mới", Bộ Quan hệ quốc tế và Hợp tác quốc tế của Nam Phi cho biết.
Trong khi đó, ngày 3.12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm đã lên tiếng khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với các thành viên khác của BRICS, bất chấp mối đe dọa về thuế quan của ông Trump, theo trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc (fmprc.gov.cn). Theo ông Lâm, nhóm BRICS là một nền tảng quan trọng cho sự hợp tác giữa các thị trường mới nổi với mục tiêu đạt được sự phát triển và thịnh vượng toàn diện, không phải để tham gia vào "cuộc đối đầu giữa các khối" hoặc "nhắm vào bất kỳ bên thứ ba nào".
Về phần mình, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, sức ép từ phía Mỹ sẽ chỉ thúc đẩy xu hướng gia tăng việc sử dụng các loại tiền tệ quốc gia trong thương mại, đồng thời làm suy giảm vai trò của USD như một loại tiền tệ dự trữ. Theo ông Peskov, sự chuyển đổi này không chỉ giới hạn trong nhóm BRICS mà còn là một xu hướng toàn cầu rộng lớn hơn.
Điều này sẽ tác động như thế nào?
Các chuyên gia có chung nhận định lời đe dọa của ông Trump về việc áp thuế 100% với các nước BRICS được đánh giá là mang tính chính trị nhiều hơn là kinh tế. Theo họ, việc Mỹ định đánh mức thuế 100% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia BRICS là một mục tiêu xa vời. Tuy nhiên, nếu nó được thông qua thì động thái này sẽ không có lợi cho người tiêu dùng Mỹ đầu tiên.
"Giống như bất kỳ mức thuế nào, điều này có nghĩa là giá cả sẽ cao hơn đối với người tiêu dùng", ông Weinstock cho biết. "Đó luôn là tác động của mức thuế". Theo dữ liệu thương mại, trong số các sản phẩm hàng đầu mà Hoa Kỳ mua từ các nước BRICS có cà phê từ Brazil, đồ điện tử và quần áo từ Trung Quốc và khoáng sản từ Nam Phi.
Trong khi đó, một số chuyên gia chỉ trích lời đe dọa trừng phạt BRICS của ông Trump, cho rằng điều này khiến Hoa Kỳ trông yếu thế. "Đây không phải là một ý tưởng hay, vì nó gián tiếp nâng cao vị thế của một quốc gia không phải là mối đe dọa và cho thấy sự thiếu tin tưởng vào đồng đô la", Brad Setser, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và cựu chuyên gia kinh tế của Bộ Tài chính, đã viết trên X. Theo ông Setser, tuyên bố của ông Trump thực sự có thể đẩy nhanh động thái tránh xa đồng đô la của các quốc gia khác, khi cho rằng nỗ lực ép buộc các quốc gia sử dụng đồng đô la "thực chất là mối đe dọa lâu dài đối với vai trò toàn cầu của đồng đô la". Ông nói thêm: "Điều này khiến người khác cảm thấy rằng, việc sử dụng đồng đô la có vẻ như chỉ mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ".