ĐBQH Lê Quân (Hà Nội) cho biết, kinh phí khoa học, công nghệ của năm 2024 đã có bước tiến bộ và có mức độ tăng, tuy nhiên, ngân sách nhà nước năm 2021 được khoảng 7.700 tỷ đồng cho toàn quốc, năm 2022 tăng lên được khoảng 9.100, năm 2023 và 2024 có tăng nhưng năm 2023, 2024 có rất nhiều vấn đề về dịch bệnh và một số vấn đề khác nên cả quốc gia cũng chỉ ở mức khoảng 10.000 tỷ đồng.
“Chúng ta xác định giai đoạn sắp tới đất nước đổi mới, sáng tạo, một kỷ nguyên vươn mình mà chúng ta đều biết giáo dục đại học là đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao và giáo dục nghề nghiệp là đào tạo ra đội ngũ có kỹ năng cao, khoa học, công nghệ là 2 yếu tố rất quan trọng. Nếu chúng ta đầu tư nhiệm kỳ 2025-2030 cho 3 lĩnh vực này tốt thì chúng ta sẽ có bứt phá, hiệu quả sẽ rất rõ ràng”, ĐBQH Lê Quân (Hà Nội) nhấn mạnh.
Theo ĐBQH Lê Quân (Hà Nội), không thể hy vọng rằng đầu tư ngay năm nay thì sẽ có hiệu quả luôn, bởi vì chu kỳ của giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học, công nghệ là khoảng 1 nhiệm kỳ mới đánh giá được các hiệu quả.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho biết, hiện nay chi cho khoa học, công nghệ từ ngân sách Trung ương chưa tới 1% hoặc nhỉnh hơn 1% so với chi ngân sách, trong khi đó theo quy định là 2%.
Đại biểu nêu ví dụ, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh năm 2024 ngân sách Trung ương phân cho mỗi một đại học khoảng 70 tỷ. Tổng kinh phí khoa học, công nghệ cho 2 trường đại học này năm 2024 là khoảng 140 tỷ. Đại học Quốc gia Hà Nội có 72 giáo sư, có gần 482 phó giáo sư và 1.500 tiến sĩ và tổng số nhà khoa học khoảng 2.500, nếu với một kinh phí chỉ có mấy chục tỷ như vậy và kinh phí ngoài chi thường xuyên và một số hoạt động khác thì kinh phí để chi cho các đề tài khoa học, công nghệ từ các nguồn này, chi bình quân ra chưa đến 2.000 USD cho một đầu người, một nhà khoa học 1 năm.
“Như vậy kinh phí đầu tư còn dàn trải và manh mún”, ĐBQH Lê Quân (Hà Nội) khẳng định.
Trên cơ sở đó, đại biểu kiến nghị, để cho quốc gia có bước đột phá với đổi mới sáng tạo thì đổi mới sáng tạo phải dựa vào các nhà khoa học nhiều hơn. Mặc dù có nhiều lăn tăn về vấn đề hiệu quả, vấn đề hợp tác nhưng phải đặt niềm tin trước và các nhà khoa học phải được chọn lọc, đánh giá rất kỹ, có những cam kết về sản phẩm đầu ra và đầu tư theo các hướng nghiên cứu mang tính chất dài hạn và bài bản sẽ đáp ứng được nhiều hơn. Bởi vì khu vực doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là còn rất hạn chế, các doanh nghiệp công nghệ còn yếu.
Cần phải đổi mới về cơ chế, chỉ nói về vấn đề thanh quyết toán hiện nay, thủ tục rất khó khăn. Một đề tài kinh phí thì ít nhưng thủ tục thanh quyết toán rất chậm, hay các định mức cho các thanh quyết toán lại rất lạc hậu, trong định mức xây dựng có những cập nhật còn lạc hậu nhưng định mức thanh quyết toán trong vấn đề khoa học, công nghệ còn lạc hậu hơn, như vậy nhà khoa học phải làm các thủ tục giải ngân rất nhiều.
Cùng với đó, phải đổi mới cơ chế phân bổ kinh phí khoa học, công nghệ. Kinh phí khoa học, công nghệ phải đầu tư cho các nhóm nghiên cứu, đầu tư theo các đơn vị khoa học, công nghệ và phải có đầu tư trọn gói, định mức dài hạn để cho chúng ta có thể nhìn nhận 5 năm tới một đơn vị khoa học, công nghệ hay những nhà khoa học đạt tiêu chí gì, những nhóm nghiên cứu đạt tiêu chí như thế nào thì được đầu tư dài hạn bao nhiêu tiền, đi liền với đó là gói đầu tư về kinh phí, về trang thiết bị, khi đó chúng ta mới giải quyết được tốt hơn.
“Hiện nay, chúng ta theo quy trình duyệt đề tài từng năm, lên Bộ Khoa học và Công nghệ rồi sang Bộ Tài chính, ra Quốc hội, như vậy chúng ta ăn đong rất nhiều. Kinh phí đầu tư trang thiết bị có thể nói là lớn và được ưu tiên nhưng không đi liền với thiết bị nghiên cứu bao nhiêu tiền, sẽ khó khăn”, ĐBQH Lê Quân nhấn mạnh.