Nhìn lại thập kỷ vừa qua, Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng kinh tế ổn định, bền vững, một phần vô cùng quan trọng là nhờ công tác điều hành chính sách kinh tế của Chính phủ hàng năm luôn đặt ổn định vĩ mô làm ưu tiên hàng đầu. Thậm chí cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chính phủ cũng không lơ là với mục tiêu ổn định vĩ mô; chính nhờ đó, chúng ta đã có dư địa để phục hồi kinh tế nhanh chóng so với nhiều nền kinh tế khác hiện vẫn phải loay hoay chống lạm phát.
Từ đầu năm đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 3,78% so với cùng kỳ năm trước, cả năm ước tăng dưới 4,5%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra; lạm phát cơ bản tăng 2,69%. Những chỉ dấu này cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì sự ổn định. Tuy nhiên, phía trước cũng xuất hiện không ít yếu tố có thể gây rủi ro. Ví dụ, áp lực lạm phát những tháng cuối năm sẽ tăng cao do tác động của yếu tố mùa vụ cũng như ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi) đối với cung ứng một số mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và nông sản. Số vốn đầu tư công phải giải ngân trong những tháng cuối năm nay và năm 2025 rất lớn để hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn, cũng gia tăng sức ép lên lạm phát.
Bên cạnh đó, biến động địa chính trị toàn cầu cũng tác động đến các cân đối vĩ mô quan trọng. Sự gián đoạn nguồn cung do các lệnh trừng phạt liên quan đến chiến tranh có khả năng đẩy giá hàng hóa thế giới tăng cao, gây ra áp lực nhập khẩu lạm phát vào nước ta. Ngoài ra, tỷ giá giữa đồng đô la Mỹ và tiền đồng có nguy cơ chịu áp lực tăng trong thời gian tới, làm cho việc điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trở nên thách thức hơn, trong bối cảnh cần duy trì lãi suất thương mại thấp để thúc đẩy nhu cầu tiền tệ và tăng trưởng tín dụng, kinh tế. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất mới đây có thể mang đến cơ hội bình ổn thị trường ngoại hối, nhưng đúng như Thống đốc đã nói trên nghị trường, tỷ giá và thị trường ngoại hối còn chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác, trong đó, đặc biệt là phụ thuộc vào cung - cầu ngoại tệ thực của nền kinh tế.
Vì thế, dù kinh tế vĩ mô có vẻ đang “sóng yên biển lặng” thì không chủ quan với lạm phát vẫn là quan điểm đúng đắn của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng. Doanh nghiệp luôn mong muốn tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, ổn định nhằm mở rộng sản xuất, nhất là trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch và trước sự cạnh tranh khốc liệt từ thị trường quốc tế. Nếu dòng vốn bị siết chặt, nguy cơ suy giảm sản xuất, thất nghiệp và suy yếu sức tiêu thụ của người dân sẽ tăng lên, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Chất vấn Thống đốc hôm qua, nhiều ĐBQH lo ngại khi tín dụng tăng trưởng 10 tháng tăng trưởng không như mong đợi.
Cân bằng hai yếu tố: cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế với chi phí hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát được lạm phát để bảo vệ giá trị đồng tiền và sức mua của người dân - điều này không chỉ phức tạp mà còn đòi hỏi sự nhạy bén trong điều hành chính sách tiền tệ, linh hoạt và chủ động trước các tác động quốc tế và nội địa. Đây có lẽ cũng là điều các ĐBQH trông đợi ở các quyết sách của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới.
Cũng cần nói thêm rằng, trách nhiệm ổn định kinh tế vĩ mô còn đặt trên vai chính sách tài khóa. Hiện nay, so với các nước trong khu vực, vốn đầu tư vào nền kinh tế của nước ta phụ thuộc lớn vào khu vực nhà nước. Tiếp tục dựa vào vốn đầu tư công để phát triển cơ sở hạ tầng có thể khiến nợ công tăng và mặt bằng lãi suất tăng theo. Nếu vòng xoáy này xuất hiện thì nguy cơ bất ổn vĩ mô là khó tránh khỏi. Để tránh nguy cơ này, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tập trung xây dựng cơ chế chính sách để thu hút đầu tư tư nhân, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, vào phát triển cơ sở hạ tầng.