Được đánh giá một trong những động lực tăng trưởng, đầu tư công luôn được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm. Rất nhiều văn bản đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành để rốt ráo chỉ đạo thực hiện. Cùng với đó, là việc thành lập 7 Tổ công tác đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương... Nhờ đó, nhiều công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia thời gian qua được đẩy nhanh tiến độ.
Quyết tâm, nỗ lực là vậy, song kết quả giải ngân vốn đầu tư công cho đến thời điểm này vẫn là một bức tranh “kém sáng”, như nhận định của Thủ tướng Phạm Minh Chính là “giải ngân còn chậm”!
Không chỉ là trăn trở của người đứng đầu Chính phủ, mà chậm giải ngân vốn đầu tư công cũng là trăn trở của rất nhiều đại biểu Quốc hội, của cử tri thời gian qua. Không trăn trở, lo lắng sao được khi trong 10 tháng năm 2024, giải ngân của chúng ta mới chỉ đạt 52,29%, tỷ lệ này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (56,74%), giải ngân vốn ODA chỉ đạt 27,88%. Điều đáng nói, có tới 29 bộ, cơ quan Trung ương và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới trung bình cả nước, trong đó 9 bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết tâm, quyết liệt vào cuộc ngay từ đầu năm, Tổ công tác đã rất rốt ráo về địa phương để kiểm tra đôn đốc mà kết quả giải ngân vẫn chưa có được sự bứt phá? Hàng loạt vướng mắc, khó khăn cũng đã được chỉ ra. Đó là, một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan còn rườm rà, chồng chéo. Vẫn còn vướng mắc trong quy định về quy trình thủ tục đầu tư, nhất là các dự án ODA...
Bên cạnh nguyên nhân khách quan nêu trên còn có nguyên nhân chủ quan dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm. Đó là, công tác chuẩn bị dự án chưa tốt; sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc có nơi, có lúc còn thiếu quyết liệt, sâu sát, nhất là vai trò người đứng đầu. Năng lực quản lý, điều hành của nhiều ban quản lý dự án còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các cơ quan còn thiếu chặt chẽ. Kỷ luật, kỷ cương có nơi chưa nghiêm; còn tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm.
Để tháo gỡ những vướng mắc, bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, rất cần sớm hoàn thiện các quy định pháp luật, trong đó quy trình thủ tục đầu tư, quy hoạch, tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, thủ tục đất đai, nguồn cung vật liệu. Có giải pháp đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư. Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia. Kiên quyết điều chuyển vốn kịp thời từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để tránh lãng phí nguồn vốn đầu tư công. Cùng với đó là xử lý nghiêm vi phạm của các cơ quan, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Xử lý nghiêm minh các trường hợp trục lợi khi thực hiện công tác này.
Với quyết tâm cao thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, mới đây (ngày 7.11), Thủ tướng đã ban hành Công điện về việc quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Trong đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tuyên dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân, đơn vị đạt kết quả tốt trong giải ngân vốn đầu tư công. Kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
Chỉ đạo của Thủ tướng đã rõ. Thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, kỳ vọng với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm” và "5 rõ” trong giải ngân vốn đầu tư công sẽ được bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc, đồng tốc thực hiện. Có như vậy, câu chuyện “có tiền mà không tiêu được” mới không tái diễn.