ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh): Chủ tịch Quốc hội điều hành chất vấn chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả
Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Tám đối với 3 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt Chính phủ báo cáo, giải trình rõ thêm về những vấn đề thuộc trách nhiệm điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã điều hành các phiên chất vấn và trả lời chất vấn một cách rất chắc chắn, linh hoạt và hiệu quả; kịp thời yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời đúng trọng tâm, sát với nội dung đại biểu đưa ra, giải trình rõ hơn đối với nội dung chưa được trả lời đầy đủ. Với sự điều hành chắc chắn, linh hoạt của Chủ tịch Quốc hội cùng tinh thần trách nhiệm cao của đại biểu Quốc hội và các Bộ trưởng, trưởng ngành, phiên chất vấn đã thành công tốt đẹp, với nhiều cam kết mạnh mẽ được đưa ra trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành.
Các nội dung đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn tại Kỳ họp này đều thể hiện "đúng" và "trúng" những vấn đề cử tri, người dân đang quan tâm, theo dõi, thậm chí là bức xúc hiện nay. Đơn cử, trong phần chất vấn với lĩnh vực thông tin và truyền thông, các đại biểu đã đề cập đến nhiều vấn đề cử tri đang bức xúc như: quản lý thông tin xấu, độc trên môi trường mạng; tình trạng lừa đảo trên môi trường mạng; phát triển báo chí trong khi bối cảnh phải cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội…
Tôi đánh giá cao nỗ lực của ngành thông tin và truyền thông, đặc biệt là cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Phần trả lời của Bộ trưởng đã đáp ứng được yêu cầu của đại biểu và cử tri. Trong thời gian tới, mong rằng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, để có những giải pháp căn cơ hơn trong bảo vệ người dân khi tiếp cận thông tin trên môi trường mạng; giúp người dân được tiếp cận với thông tin chính thống, tránh thông tin xấu, độc; đồng thời, có biện pháp xử lý mạnh tay đối với những hành vi đưa thông tin sai sự thật lên môi trường mạng.
Với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng, các đại biểu quan tâm đến quản lý thị trường vàng, quản lý ngoại hối; làm sao giảm lãi suất để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh; cung ứng vốn tín dụng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, các đơn vị sản xuất kinh doanh tập thể… Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã trả lời chất vấn thẳng thắn, không né tránh, đồng thời đưa ra những cam kết cụ thể về việc ban hành chính sách tiền tệ hiệu quả hơn dù trong nhiều năm qua chúng ta đã và đang thực hiện tốt các chính sách tài chính, tiền tệ.
Đối với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực y tế, các đại biểu Quốc hội đã nêu câu hỏi về những nội dung liên quan sát sườn đến người dân, như quản lý thuốc, hệ thống y tế cơ sở, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, y đức… Bộ trưởng Bộ Y tế đã trả lời thẳng thắn các chất vấn của đại biểu, đưa ra cam kết phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
ĐBQH Lê Văn Khảm (Bình Dương): Ngắn gọn, rõ ràng, thuyết phục
Tôi đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã trả lời rất rõ ràng, cụ thể, thuyết phục các câu hỏi của đại biểu. Các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn sắc sảo, truyền tải nhiều vấn đề “nóng” của đời sống xã hội, những vấn đề cử tri quan tâm đến nghị trường.
Liên quan đến phần trả lời chất vấn về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho thấy đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đầy đủ với các thông tin chuyên môn liên quan đến sức khỏe cũng như những vấn đề xã hội xung quanh việc kiểm soát tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đặc biệt, Bộ trưởng còn minh chứng bằng hình ảnh trực quan sinh động khi mang đến nghị trường bao bì sản phẩm thuốc lá điện tử. Đây là sự chuẩn bị hết sức nghiêm túc, trách nhiệm.
Bộ trưởng cũng đưa ra các giải pháp hết sức cụ thể để tăng cường quản lý dược mỹ phẩm và thực phẩm chức năng, như cần nghiên cứu sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan, có cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý và kiểm soát dược mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành y tế mà cần có sự tham gia của của nhiều cơ quan khác, như lực lượng quản lý thị trường, Hội Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng... trong việc nắm bắt kịp thời thông tin và xử lý vấn đề…
Vừa qua, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế tại các cơ sở công lập đã được chỉ ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân về trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh, tâm lý e ngại, sợ sai của người thực thi. Trước tình trạng này, Quốc hội đã nghiên cứu ban hành các luật có liên quan đến thuốc, vật tư y tế trong các cơ sở công lập như Luật Đấu thầu, Luật Khám bệnh, chữa bệnh… Sau đó, Chính phủ và Bộ Y tế đã ban hành văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện. Tôi cho rằng, về cơ bản những vướng mắc trong lĩnh vực y tế đã được giải quyết thông qua việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, để khắc phục tâm lý e ngại, sợ sai trong đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, Bộ Y tế cần tiếp tục phổ biến sâu rộng, tập huấn kỹ các quy định pháp luật trong việc đấu thầu, mua sắm vật tư y tế. Trong trường hợp có phát sinh những vấn đề luật pháp chưa bao quát, mong rằng, với tinh thần trách nhiệm cao của cơ sở khám, chữa bệnh, mỗi cán bộ, nhân viên y tế khi xác định bất cập cần tổng hợp, phân tích, xác định nguyên nhân nằm ở đâu, cấp độ giải quyết ở cơ sở hay thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế, hay các cơ quan chức năng khác.
Quan trọng là kịp thời phát hiện, tổng hợp, kiến nghị sát với thực tế trên tinh thần "lấy người bệnh làm trung tâm", thì chúng ta sẽ khắc phục được tâm lý e ngại, sợ sai.
ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh): Sự nỗ lực của ngân hàng phải được ghi nhận
Ngân hàng là một trong ba lĩnh vực được đưa ra chất vấn đầu tiên trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Tám này. Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là thị trường vàng với gần 1/3 tổng số ý kiến chất vấn với "tư lệnh ngành" y tế. Điều này cho thấy, sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu với vấn đề quản lý thị trường vàng. Các chất vấn của đại biểu cũng đã nêu các khía cạnh khác nhau, làm rõ những vấn đề cử tri quan tâm và báo chí phản ánh.
Tôi hài lòng với phần trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Các câu trả lời đã đi thẳng vào vấn đề đại biểu quan tâm, không né tránh. Thống đốc đã làm rõ rất nhiều nội dung liên quan đến quản lý thị trường vàng, kể cả những người không am hiểu về lĩnh vực ngân hàng, kinh tế vẫn có thể hiểu được.
Theo tôi, các chính sách được minh bạch sẽ tạo sự đồng thuận của đại biểu và người dân đối với sự điều hành của Chính phủ nói chung, của ngành ngân hàng nói riêng. Chẳng hạn với câu chuyện "ngân hàng chỉ bán vàng mà không mua lại", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã giải thích rất rõ ràng rằng, có rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố Việt Nam không phải là quốc gia sản xuất vàng, mà là quốc gia nhập khẩu vàng. Điều này đồng nghĩa, Việt Nam không có được sự chủ động như một số quốc gia khác. Do vậy, việc điều hành đối với thị trường vàng hiện đang là một thách thức rất lớn và khó khăn của ngành ngân hàng.
Dẫu vậy, nếu nhìn nhận một cách công bằng, thì những sự nỗ lực của ngành ngân hàng phải được ghi nhận, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi thị trường vàng đã khác hoàn toàn so với 10 - 20 năm trước. Và, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, giá vàng biến động hàng ngày, hàng giờ đòi hỏi nỗ lực, trách nhiệm, sự linh hoạt, sáng suốt trong điều hành chính sách tiền tệ liên quan đến quản lý thị trường vàng.